Quảng Ninh:
Bảo vệ học sinh trong đại dịch Covid-19 là bảo vệ "vùng xanh" an toàn
(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, mục tiêu cao nhất của tỉnh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh và cũng chính là bảo vệ "vùng xanh" an toàn.
Đây cũng là lý do tỉnh Quảng Ninh đang tận dụng tối đa thời gian an toàn để các em học sinh các cấp được học trực tiếp thay vì phải học trực tuyến. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang tấn công vào trường học như hiện nay.
Trao đổi với Dân trí chiều nay 9/11, Bí thư Tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, hiện học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn học trực tiếp trừ một vài xã, phường thuộc hai địa phương là thị xã Đông Triều và TP Uông Bí phải học trực tuyến do có ổ dịch xuất hiện tại đây. Tuy nhiên với việc cơ bản khống chế được dịch bệnh như hiện tại học sinh tại đây sẽ trở lại học trực tiếp như bình thường.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, trước đó tỉnh đã miễn học phí cho học sinh toàn tỉnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện tại tiếp tục lo cho học sinh các cấp được học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo an toàn nhất.
"Phải bảo vệ bằng được trẻ em, học sinh trong đại dịch vì đây là đối tượng khó khăn nhất, chiếm 1/4 dân số. Đồng thời cũng là mục tiêu để quyết tâm bảo vệ vùng xanh của tỉnh", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân ký nhấn mạnh.
Lên kịch bản để học sinh được học trực tiếp trong điều kiện an toàn
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh, tính đến 12h ngày 8/11, trên toàn tỉnh có 16 học sinh là F0, tăng 5 học sinh so với thời điểm 16h ngày 7/11. Đồng thời tỉnh cũng có 807 trường hợp F1 là học sinh, giáo viên.
Trước thực trạng trên, được sự chỉ đạo của tỉnh, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tận dụng tối đa thời gian an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp nhằm hoàn thành kế hoạch dạy học với chất lượng tốt nhất.
Theo đó, đối với cấp mầm non, cần thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của chương trình GDMN trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 theo hướng đảm bảo mục tiêu, kết quả mong đợi quy định tại chương trình GDMN, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà trong thời gian chưa đến trường để tránh dịch và khi đến trường trở lại. Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non khi trẻ chưa đến trường để tránh dịch.
Đối với cấp tiểu học, các trường ưu tiên thời gian, nguồn lực để tăng thời lượng dạy và hoàn thành các môn Tiếng Việt, Toán (đối với lớp 1, lớp 2) và các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh (đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5) đảm bảo nội dung, tiến độ chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.
Đối với cấp trung học, cần triển khai đúng, đủ nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi các môn học theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học tại Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Các cơ sở giáo dục chưa tổ chức kiểm tra giữa kỳ, khẩn trương tổ chức kiểm tra giữa kỳ. Giáo viên chuyển giao mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ học tập cho học sinh khi phải dừng đến trường để học trực tuyến ở nhà; hướng dẫn cho học sinh phương pháp, kỹ năng học trực tuyến theo đặc thù của bộ môn.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống tổ chức dạy học và triển khai các hoạt động giáo dục đảm bảo chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tình hình dịch Covid-19.
Các cơ sở giáo dục phải cho học sinh nghỉ học ở trường để dạy học trực tuyến tiếp tục rà soát những học sinh còn thiếu phương tiện tối thiểu để học trực tuyến (mạng internet, Wifi, điện thoại thông minh, máy vi tính...) báo cáo về cơ quan quản lý trực tiếp. Các cơ sở giáo dục xây dựng tổ tình nguyện để sẵn sàng giúp đỡ những học sinh còn gặp khó khăn trong học tập trực tuyến.
Đối với các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp nhưng có học sinh tại địa bàn có cấp độ dịch đến mức phải nghỉ học ở trường, Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên có giải pháp cụ thể, phù hợp để truyền tải kịp thời nội dung tiết dạy trên lớp tới những học sinh nghỉ học nhằm không làm gián đoạn việc học tập của học sinh theo kế hoạch giáo dục của lớp, của trường. Nhà trường phải có kế hoạch giáo dục để hỗ trợ, bù đắp những kiến thức theo mục tiêu bài dạy cho những học sinh này khi quay trở lại trường học trực tiếp.