Bạo hành trẻ tự kỷ: Phản giáo dục!
(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo hành vi bạo lực đối với trẻ tự kỷ gây hậu quả vô cùng nguy hại. Đặc biệt, trẻ sẽ học theo hành vi bạo lực từ những người bạo hành mình.
Đối xử với trẻ tự kỷ như… khúc gỗ
Mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ bạo hành trẻ tự kỷ diễn ra tại cơ sở trá hình Anh Vương (quận Tân Bình, TPHCM). Nhiều nhân viên, bảo mẫu liên tục dùng tay, dùng khúc gỗ, móc sắt… đánh, đè cổ trẻ. Có người còn dùng tay véo, bóp phận sinh dục của một bé nam mặc em kêu khóc…
Phải nói rằng, các bảo mẫu, nhân viên đối xử với các em nhỏ tự kỷ như thể các em là những khúc gỗ, sắt đá. Các nhân viên, bảo mẫu này bao biện rằng các em này rất khó, quậy phá nên phải hù dọa để các em nghe lời, chịu ăn. Nhưng theo các bác sĩ, chuyên gia những hành vi bạo lực này ảnh hưởng rất nặng nề đến tâm lý trẻ tự kỷ.
Bác sĩ Quách Thúy Minh (Trưởng khoa Tâm bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, hành vi bạo lực ảnh hưởng nhiều mặt đối với trẻ tự kỷ. Về cảm xúc, gây ra tâm trạng bất an, lo âu, sợ hãi, mất an toàn. Từ đó, trẻ sẽ luôn thu mình lại, không tương tác với mọi người.
Về nhận thức, trẻ sẽ hiểu sai khi cho rằng cứ làm gì sai sẽ bị trừng phạt thân thể. Mặt khác, sẽ làm trẻ bị ức chế tâm lý không dám tìm hiểu tìm tòi nên trí tuệ ngày càng trì trệ.
Còn về hành vi, trẻ học hành vi bạo hành của bảo mẫu và sẽ hành hung lại mọi người xung quanh khi không vừa ý điều gì. Tất cả những ảnh hưởng này làm cho tính tự kỷ của trẻ ngày càng nặng thêm, gây ra mất khả năng thích ứng và hòa nhập.
Không chỉ phẫn nộ bởi hành vi bạo hành trẻ tự kỷ tại cơ sở Anh Vương mà báo chí phản ánh, bác sĩ Kiều Thanh Hà (khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2) băn khoăn về việc hình thành những trung tâm nuôi giữ trẻ tự kỷ theo cách nhốt cách ly, cùng các phương pháp dọa nạt để trừng phạt hay đánh đập là cực kỳ phản khoa học.
Khi nhốt chung các trẻ có rối loạn các lĩnh vực phát triển (giao tiếp - ngôn ngữ - hành vi - kỹ năng vận động thô - kỹ năng vận động tinh) thì chỉ làm cho tình trạng rối loạn của trẻ thêm trầm trọng vì có một xu thế là trẻ học từ những trẻ khác những rối loạn mang tính tiêu cực…
“Với bệnh tự kỷ, việc hòa nhập rất cần thiết. Nếu các bé học trong môi trường mà giáo viên không có kiến thức về căn bệnh thì sẽ không giúp gì được trẻ trong phát triển trí não. Các nước phát triển trên thế giới luôn khuyến khích đưa trẻ tự kỷ hội nhập, học chung với trẻ bình thường để các em học được các kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp..”, bác sĩ Thanh Hà nói.
Ứng phó với hành vi của trẻ tự kỷ
Theo bác sĩ Kiều Thanh Hà, trẻ tự kỷ có những nhu cầu như các trẻ bình thường nhưng lại gặp có khó khăn trong cách diễn đạt. Khi yêu cầu một điều gì đó, trẻ thường có những hành vi như la hét, cào cấu. Mọi người dễ nhầm lẫn hành vi đó với thái độ của trẻ hư, hành vi ứng xử không phù hợp.
Trẻ tự kỷ cũng có xu hướng đòi việc gì đó mà không được đáp ứng thì sự giận dữ của trẻ càng tăng cho đến khi đòi hỏi được thỏa mãn. Bác sĩ Thanh Hà chia sẻ một số kinh nghiệm “xử lý” việc này là cần phải chỉ ra cho trẻ biết giới hạn nào được phép làm - không được phép song song với hình phạt và phần thưởng.
“Chúng ta có thể cho trẻ xem một số cuốn sách trong đó vẽ rõ các hậu quả của việc quậy phá hay đánh người khác. Những hình vẽ đơn giản và rõ ràng giúp trẻ nhận thức được phần thưởng và trừng phạt. Trẻ có thể bị ngồi ghế, không có đồ chơi hoặc quay mặt vào tường. Tất nhiên trẻ sẽ được thưởng khi hối hận và biết xin lỗi”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Việc áp dụng hình phạt đối với trẻ tự kỷ cũng phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định, không phải để giải quyết “cơn giận” của người lớn mà hơn hết phải vì chính đứa trẻ.
Nếu trẻ có hành vi sai, bác sĩ Quách Thúy Minh cho rằng, nên tìm hiểu lý do/nguyên nhân, tuyệt đối không được đánh mắng trẻ. Có thể nhìn trẻ lắc đầu tỏ thái độ không đồng ý với hành vi sai của trẻ.
Đối với hành vi không mong muốn của trẻ như chống đối, hung hăng, đánh bạn, ném phá đồ chơi…cần áp dụng những chiến lược can thiệp. Hình thức phạt nên là sự lựa chọn cuối cùng nếu các phương pháp khác không hiệu quả. Khi sử dụng hình phạt thái độ phải bình tĩnh, giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu nội dung hình phạt, phạt bao lâu. Một vài cách phạt như bắt làm lại, trả giá hành vi, cách li một phần hoặc hoàn toàn…
Một trong những điều quan trọng hàng đầu đối với trẻ tự kỷ, các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh là phải tạo môi trường sống an toàn ổn định cho trẻ. Luôn gần gũi hiểu nhu cầu của trẻ. Tạo mọi điều kiện để trẻ phát triển tính tự lập. Và hơn hết, các em cần nhận được tình yêu thương từ bố mẹ, người thân và từ cộng đồng.
Hoài Nam