Giáo viên chia sẻ:
Băn khoăn Phòng Giáo dục ra đề thi
(Dân trí) - Kì thi học kì 1 năm học 2019-2020 của địa phương tôi vừa kết thúc. Cả thầy và trò đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện ra đề thi cho học sinh.
Những năm trước, giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy sẽ là người ra đề (trừ những lớp cuối cấp thì Phòng Giáo dục ra). Sau đó sẽ họp tổ để phản biện đề thi. Cuối cùng là duyệt của tổ trưởng và ban giám hiệu nhà trường. Cách ra đề này cả GV và học sinh (HS) đều cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái.
Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, Phòng Giáo dục quyết định ra đề thi ba môn Văn, Toán, Anh của các khối 6, 7, 8. Họ cho rằng ra đề kiểu này mới đánh giá đúng chất lượng học tập của HS. Học trò cũng vì thế mà cố gắng nỗ lực hơn trong học tập.
Do đề thi của Phòng Giáo dục ra nên các GV giảng dạy thường rất hồi hộp và lo lắng. Thầy cô phải ôn kĩ hết các phần. Học trò cũng không dám học lệch, học tủ. Lí do là không biết họ ra phần nào, dạng nào cả. Để đạt được kết quả cao thì HS phải thật sự cố gắng.
Tuy nhiên, Phòng Giáo dục ra đề thường có nhiều bất cập hơn việc GV trực tiếp giảng dạy ra. Thứ nhất là sức học ở mỗi trường mỗi khác. Nhiều khi đề ra vừa sức với trường này, nhưng lại rất khó với trường kia và ngược lại. Thứ hai là người ra đề thường là người không trực tiếp giảng dạy nên rất hay bị sai sót. Thậm chí, nhiều khi cho luôn cả vào những bài được giảm tải rồi.
Thực tế, người GV giảng dạy ra đề là chính xác nhất. Họ là người hiểu rõ nhất sức học của học trò mình. Thế nhưng bây giờ, người ta không muốn cho GV ra đề thi. Lí do là sợ bị lộ đề, nhất là những GV dạy thêm.
Năm nay, sai sót nhiều nhất thuộc về bộ môn Ngữ văn. Người ra đề thi yêu cầu rất cao và đáp án có câu chưa được chuẩn xác. Ngay khi GV phản ánh và mong muốn tổ ra đề thi rút kinh nghiệm thì nhận được những câu trả lời ngô nghê như thế này: "Đề và đáp án này tôi lấy ở trên mạng đó. Đề này thành phố đã thi rồi...". Chúng tôi chỉ biết thở dài và ngao ngán thật sự.
Hôm vừa rồi, cô bạn gái của tôi cũng gọi điện hỏi ý kiến về đáp án đề thi của Phòng mình. Bạn không đồng ý với đáp án đưa ra. Lí do là đáp án đưa ra không rõ ràng, không phù hợp với nội dung câu hỏi. Thế nhưng trường bạn thì cứ khăng khăng rằng đáp án đưa sao thì cứ chấm vậy đi. Nếu thầy cô không bằng lòng, thì cứ chấm theo ý mình, thắc mắc làm gì cho phức tạp thêm ra.
Thực ra, nếu là đề thi chung cho toàn huyện, thành phố thì tổ ra đề cần cân nhắc sao cho phù hợp nhất. Những câu hỏi cần phân loại đúng đối tượng HS. Câu hỏi và đáp án cần rõ ràng, chính xác, tránh kiểu hỏi mơ hồ, đánh đố HS. Những người ra đề cần phải có chuyên môn vững, kiến thức thật sâu rộng. Nếu chẳng may bị phản ánh cần chân thành nhận lỗi, rút kinh nghiệm chứ không nên đổ thừa.
Câu chuyện ra đề tưởng đơn giản mà lại phức tạp vô cùng. Chỉ mong sao những năm sau, người được "chọn mặt gửi vàng" phải có tâm và tinh thần trách nhiệm thật cao khi ra đề, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc nữa.
LT
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!