Băn khoăn bản dịch "Sông núi nước Nam": Tổng chủ biên lên tiếng!

(Dân trí) - Trước băn khoăn của dư luận về bản dịch "Sông núi nước Nam" được in trong SGK Ngữ văn lớp 7  - Tập 1 của NXB Giáo dục Việt Nam trích theo bản dịch của Lê Thước - Nam Trân chưa hay, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên cuốn sách đã lên tiếng giải thích rõ vấn đề này.

Vừa qua, dư luận băn khoăn về bản dịch “Sông núi nước Nam” trong sách giáo khoa (SGK) ngữ văn lớp 7, tập 1 đưa các bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt khác với bản dịch lâu nay nhiều người vẫn thường biết đến khiến nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng bản mới không hay.

Bài thơ: “Nam quốc sơn hà" ("Sông núi nước Nam”) lưu truyền được dịch là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Bản dịch được đưa vào sách ngữ văn 7 là do học giả Lê Thước (1891-1975) và nhà thơ Nam Trân (1907-1967) dịch, được đăng trong cuốn Thơ văn Lý Trần, từ năm 1977 như sau:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Bên cạnh đó, trong SGK ngữ văn 7, đưa ba bản dịch chữ quốc ngữ của bài thơ Nam quốc sơn hà  chứ không chỉ riêng bản dịch của Lê Thước - Nam Trân. Bản dịch có câu Vằng vặc sách trời chia xứ sở được sử dụng làm đối tượng chính của bài đọc văn bản trang 62, còn hai bản dịch khác được đăng kèm để học sinh tham khảo. Hai bản dịch còn lại là:

- Bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử:

Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi.

- Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc:

Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.

Băn khoăn bản dịch "Sông núi nước Nam": Tổng chủ biên lên tiếng! - 1

 Bản dịch của Lê Thước - Nam Trân trong  phần bài  học chính, sách ngữ văn lớp 7, tập 1

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 10/11, GS Nguyễn Khắc Phi Tổng Chủ biên sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 cho biết, bài thơ Nam quốc sơn hà tương truyền là của danh tướng Lý Thường Kiệt, ngay cả văn bản chữ Hán cũng có nhiều dị bản khác nhau, hiện có khoảng hơn 30 dị bản. Cho nên ở đây không phải là bản dịch mới, vậy bản dịch nào là cái cũ, ai là người dịch đầu tiên?... mọi người vẫn chưa biết.

Khi chọn các bản dịch để đưa vào sách chúng tôi cân nhắc rất kỹ nên dùng bản chữ Hán nào vì không có bản nào dịch hoàn thiện cả. Đây là văn bản cổ. Cuối cùng, chúng tôi chọn bản theo Đại Việt sử ký toàn thư.

GS Phi cho rằng, bản dịch phổ biến mà mọi người thuộc mặc dù nghe êm tai nhưng có chỗ chưa ổn.

Ví dụ chữ “định phận” để nguyên không dịch có thể gây ra hiểu nhầm. Vì chữ “phận” có hai nghĩa, phận là địa phận, ranh giới, biên giới và phận có nghĩa là số phận, cho nên nếu không dịch thì “định phận” là số phận đã định. Bên cạnh đó, chữ “vằng vặc” vừa sáng vừa rõ ràng, nó cụ thể và ý nghĩa hơn là “rành rành". Việc hai dịch giả Lê Thước - Nam Trân chuyển từ vần bằng trong nguyên văn sang vần trắc ở bản dịch không phải là không có dụng ý".

Để đưa bài thơ này vào sách, chúng tôi đã phải rất nhiều lần sang ĐH QGHN phản biện rằng bài này không phải là của Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, đây là vấn đề dân tộc nên cần đưa vào. Hơn nữa, tác giả dịch Nam Trân và Lê Phước là 2 nhà Hán Nôm học lớn của Việt Nam. Cụ Lê Thước là một bậc trí giả uyên bác,một trí thức cỡ lớn đầu thế kỷ 20 và Nam Trân là nhà thơ nổi tiếng, là người chủ trì dịch tập Ngục Trung nhật ký của Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong sách cũng đã giới thiệu hai bản dịch khác nữa để học sinh tham khảo, là bản dịch của Ngô Linh Ngọc (trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1980) và một bản dịch trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử.

GS Phi cho biết, Hội đồng thẩm định bộ sách này là các nhà giáo nhân dân nên Nhà xuất bản giáo dục và Bộ GD-ĐT không thể muốn đưa cái nào vào trong sách cũng được. Hiện nay, để tham khảo thêm các dị bản khác, mọi người có thể tìm hiểu trên sách, trên Internet.

GS Phi cho biết thêm, người đưa ra thông tin về bản dịch gây xôn xao dư luận đã gọi điện xin lỗi chúng tôi.

Hồng Hạnh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm