Từ Nam quốc sơn hà nghĩ về tính hai mặt của đời sống
Những năm gần đây, đổi mới là từ có tần số sử dụng ở mức kỷ lục, trên đầu mỗi người Việt, nhất là trong ngôn ngữ truyền thông. Đổi mới là nhu cầu, khát vọng. Và đương nhiên, cái gì ngáng trở nó thường bị đập tơi bời.
Nhưng cũng từ trong đời sống, đôi khi một cái gì đó không hẳn là lạ nhưng khác với quán tính của con mắt, lỗ tai cũng bị "ném đá".
Bài Sông núi nước Nam trong Ngữ văn 7, tập 1 là một trường hợp điển hình.
Lâu nay người ta quá quen với bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Khách quan mà nói đây là bản dịch hay nhất trong các bản dịch hiện có đối với bài Nam quốc sơn hà. Nhưng dịch có ba tiêu chuẩn: tín, đạt, nhã. Bản dịch của cụ Trần Trọng Kim hay nhưng chưa hẳn đã đạt.
Trở lại câu thứ tư trong nguyên tác: 汝 等 行 看 取 敗 虛 (Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư).
Rõ ràng, câu thứ tư trong bản dịch “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!” không làm toát lên hết chiều sâu, tính minh triết của nguyên tác. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư có nghĩa là “Chúng bay sẽ thấy [chúng bay] tự chuốc lấy thất bại”; ở đây bại kết hợp với hư là thất bại đến mức thảm hại, tan nát, không còn gì.
Từ điển từ nguyên tiếng Trung
Câu thứ tư của nguyên tác, như đã nói, có ít nhất hai nghĩa:
Một, chúng bây tự chuốc lấy thất bại. Đây là nghĩa chính, sát với nguyên tác. Xâm lược là hành động đi ngược lại sách trời, trái với chân lý nên ắt phải tự chuốc lấy bại vong. Đặt vào ngữ cảnh bài thơ, thất bại ở đây là do trời phạt, vì dám làm trái sách trời. Thâm ý của cha ông ta là ở đây! Tôi xin nói thêm, cái thần của nguyên tác nằm ở chữ thủ (取). Chữ này thuộc bộ hựu (bên trái là chữ nhĩ 耳 - lỗ tai).
Theo Từ điển từ nguyên tiếng Trung của Nguyễn Mạnh Linh (Nhà xuất bản Hồng Đức 2008), ngày xưa, khi quân đội đánh nhau, bên thắng trận thường chặt đầu hoặc cắt tai kẻ bại trận mang về làm bằng chứng lập công. Trong giáp cốt văn, chữ thủ giống hình một tay cầm cái tai đã bị cắt. Do đó thủ có nghĩa là lấy, bắt được, tìm lấy, chuốc lấy. Vậy “thủ bại hư” có nghĩa là chính tay (mình) làm cho (mình) thất bại. Hay biết chừng nào!
Hai, “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, đây là nghĩa suy theo lô gíc. Chúng bây sang xâm lược nước Nam thì người Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn từ bao đời, với bản năng tự vệ, sẽ đánh lại chúng bay để bảo vệ sơn hà xã tắc.
So sánh giữa hai nghĩa, nghĩa thứ nhất vừa sát với nguyên tác, vừa minh triết: chúng bay tự chuốc lấy bại vong (tự mình làm cho mình thất bại), thể hiện tầm thế chính nghĩa cao vời và tư tưởng quyết chiến nhưng chuộng hòa hiếu của cha ông ta. Ngẫm kỹ, cho đến ngày nay, để cho kẻ thù “thủ bại hư” vẫn là một ý hay, sâu sắc, thậm chí vẫn hiện hữu trong đường lối ngoại giao mà Việt Nam đang theo đuổi: nước nào đi ngược lại Công ước quốc tế, chính nghĩa, nhân tâm thì sẽ bị thế giới cô lập, lên án, thậm chí trừng trị. Có khi không đánh về vật chất mà kẻ thù vẫn bại, đó là tư tưởng độc đáo của Đại Việt.
Với lý do đó, cho đến cải cách giáo dục lần thứ IV (năm 2000), các tác giả Ngữ văn 7 đã đưa vào bản dịch của Lê Thước và Nam Trân (đều là những nhà Hán học cự phách, những người dịch thơ chữ Hán nổi tiếng), trong đó, câu thứ tư “Chúng bay nhất định sẽ tan vỡ” tuy chưa thật sát với “thủ bại hư” và về âm điệu, như đã nói, cũng không êm ái bằng (do chữ gieo vần có thanh trắc) câu thứ tư của Trần Trọng Kim; nhưng hơn hẳn câu của Trần Trọng Kim ở chỗ không có cụm từ “sẽ bị đánh”.
Các cụ Lê Thước và Nam Trân đều đã ra người thiên cổ nên không thể nói là “nay đã được dịch khác đi” như bài báo trên Infonet đã viết.
Phải có lý do chính đáng, các tác giả Ngữ văn 7 mới thay bản dịch quen thuộc của cụ Trần Trọng Kim bằng bản dịch của các cụ Lê Thước và Nam Trân chứ. Lý do ở đây theo tôi chính là câu thứ tư: Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời! Ở đây, như tôi đã lập luận, câu thứ tư của các cụ Lê Thước và Nam Trân (người dịch chính tập Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh) hay hơn câu thứ tư của cụ Trần Trọng Kim về nghĩa.
Thật ra các ông Nguyễn Đình Chú và Nguyễn Khắc Phi chỉ sửa chút ít câu thứ nhất mà thôi: Câu của Lê Thước và Nam Trân là “Núi sông Nam Việt vua Nam ở”, câu của Nguyễn Đình Chú và Nguyễn Khắc Phi là “Sông núi nước Nam vua Nam ở”; ba câu sau giữ nguyên. Cho nên mới ghi chú là “Theo Lê Thước – Nam Trân dịch” theo quy cách trình bày của việc soạn sách.
Trong sách Ngữ văn 7, ngoài bản dịch của các cụ Lê Thước và Nam Trân, còn có bản dịch của Ngô Linh Ngọc. Nhân đây xin nói thêm bài Nam quốc sơn hà còn nhiều bản dịch khác, trong đó có bản dịch của các học giả uyên thâm như Hoàng Xuân Hãn, Hoa Bằng. Thiết nghĩ, nếu những người viết sách đưa bản dịch của Hoàng Xuân Hãn, Hoa Bằng thì cũng gây “sốc” như thường vì người ta đã quá quen với bản dịch của Trần Trọng Kim.
Bây giờ nếu ai nói “chúng cư” mà không nói chung cư, gọi “Hợp chúng quốc Hoa kỳ” thay vì Hợp chủng quốc Hoa kỳ, “ta thán” chứ không phải ca thán ắt “sẽ bị đánh tơi bời” cho mà xem. Trong khi đó “chúng cư”, “Hợp chúng quốc Hoa kỳ”, “ta thán” mới là cách dùng từ ngữ đúng!
Là một thầy giáo, tôi nói thẳng thắn rằng giáo dục nước ta nói chung còn nhiều chỗ khiếm khuyết, thậm chí có mặt rất đáng lo ngại. Nhưng xúm vào “đánh” giáo dục một cách vô cớ hoặc với những cái cớ không chính đáng thì đó có phải là việc nên làm và công bằng?
Chúng ta có nên giữ lại bản dịch của cụ Trần Trọng Kim vì nó gieo thanh bằng êm tai, có từ “rành rành” nghe rất mạnh mà hi sinh giá trị nhân văn của “thủ bại hư” trong tư tưởng đối ngoại của tiền nhân không? Theo tôi, cái “lỗi” duy nhất của những nhà soạn sách Ngữ văn 7, tập 1 là chưa tìm ra bản dịch sát với nguyên tác và êm tai, hùng hồn về âm hưởng. Và chỉ có nguyên tác bài thơ mới có đủ thẩm quyền chọn bản dịch phù hợp với nó chứ quyết không phải bằng sự suy diễn và nghe hơi nồi chõ một cách tuỳ tiện.
Một câu chuyện xôn xao về Hán tự mà chân lý xem ra thuộc về những người có khi không biết chữ 取 thuộc bộ nào, thì đó không phải là điều để lạc quan.
Theo ĐẶNG NGỌC HÙNG - Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận) - Pháp luật TP.HCM