Bản đồ học sinh giỏi toán trải rộng khắp Việt Nam

Cùng với hệ thống trường chuyên đã hình thành rộng khắp cả nước và ở các trường ĐH lớn, bản đồ các đơn vị có đóng góp cho thành tích thi toán quốc tế cũng được trải đều rộng khắp Việt Nam.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/40-nam-viet-nam-tham-gia-olympic-toan-quoc-te-qua-ngot-tu-cuoc-choi-ky-thu-942758.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; 40 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế: Quả ngọt từ cuộc chơi kỳ thú</b></a>

Đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc IOlympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2014
Đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc IOlympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2014.

Trong số các trường đã đào tạo ra các huy chương Olympic Toán học quốc tế (IMO) của VN thì ngôi vô địch tuyệt đối thuộc về khối chuyên toán A0 thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (giờ là Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Cả nước có 228 lượt thí sinh dự thi IMO, riêng đơn vị này đóng góp 73 lượt. 

Á quân thuộc về khối chuyên toán ĐH Sư phạm Hà Nội, nay là Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm HN, với 40 lượt. Các đơn vị đóng góp nhiều thành tích lần lượt là: Hà Nội (gồm hai trường Chu Văn An và Amsterdam) - 17 lượt; THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa - 14; Hải Phòng (gồm hai trường Trần Phú và Thái Phiên) - 11; Đà Nẵng (gồm hai trường Phan Chu Trinh và Lê Quý Đôn) - 10; Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM - 9.

Ở ba kỳ IMO đầu tiên mà VN tham gia (1974, 1975, 1976), các suất dự IMO hoàn toàn thuộc về ba trung tâm đào tạo chuyên toán tại Hà Nội là khối A0 ĐH Tổng hợp, khối chuyên toán trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường THPT Chu Văn An. Đến năm 1978, xuất hiện ba thí sinh đến từ các đơn vị ngoài Hà Nội: Hải Phòng, chuyên toán ĐH Vinh và Huế. 

Hồ Đình Duẩn (Quốc học Huế) là thí sinh “miền Nam” đầu tiên được tham dự IMO. Anh cũng mở đầu cho loạt thành công của chuyên toán quốc học Huế nhiều năm sau đó.

Từ năm 1983 thì bản đồ IMO VN có thêm địa danh mới: khối chuyên của Bộ GD đặt tại trường THPT chuyên Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Năm 1984 xuất hiện chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa.

Chuyên Lam Sơn- Thanh Hóa không có những chuỗi thành tích ấn tượng như Huế và Đà Nẵng, nhưng như một vận động viên đường trường, họ vẫn luôn giữ được nhịp qua các năm.

Phan Bội Châu - Nghệ An và chuyên Thái Bình cũng thỉnh thoảng góp mặt. Năm 1985 là năm duy nhất mà số các thí sinh đến từ miền Nam chiếm quá bán trong thành phần đội tuyển IMO.

Thậm chí năm này riêng trường Nguyễn Văn Trỗi (sau thành trường chuyên Lê Quý Đôn) của Khánh Hòa có hai đại diện trong đội tuyển. IMO 1987, Trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội bắt đầu vào “điểm danh” với hai huy chương đồng cùng một lúc.

Tất nhiên, xuyên suốt quá trình trên, hai trung tâm chính là khối A0 của Tổng hợp và khối chuyên của ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn đều đặn góp mặt với những “ngôi sao” như Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường…

Nhưng giai đoạn từ 1991 đến 2003 là thời kỳ bùng nổ của khối chuyên toán A0. Kỷ lục được xác lập vào năm 1994 khi khối A0 chiếm 5/6 suất dự thi IMO, suất còn lại thuộc về ĐH Sư phạm Hà Nội. 

Các năm 1992, 1995, 1996, 2000 khối này chiếm 4/6 suất. Đây cũng là thời kỳ của những tên tuổi như Nguyễn Chu Gia Vượng, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Đỗ Quốc Anh, Lê Hùng Việt Bảo…

Trong giai đoạn này, các tỉnh thành phía Nam gần như vắng bóng, cho mãi đến năm 1999 mới có Quảng Ngãi với HCB của Trần Văn Nghĩa vào điểm danh trở lại.

Bước sang thế kỷ 21, bản đồ địa lý của IMO Viện Nam bắt đầu được mở rộng ra với xuất hiện của một số địa danh mới: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Giai đoạn này đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của một tên tuổi mới mà cũ: THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.

Đặc biệt, có một tên tuổi mới toanh nhưng khá ấn tượng: Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP HCM, với HCB đầu tiên năm 2003. Hai năm gần đây nhất đơn vị này thực sự tỏa sáng khi có ba HCV và một HCB.

Theo Trần Nam Dũng
Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm