Chủ biên SGK môn Toán tiểu học: Cả hai đáp án đều đúng nhưng…

(Dân trí) - Xoay quanh một bài toán lớp 2 liên quan đến tính số gà bằng phép nhân nhưng đã có một cuộc tranh luận “nảy lửa” diễn ra giữa các bậc phụ huynh. PGS.TS Đỗ Đình Hoan - chủ biên sách giáo khoa môn Toán bậc tiểu học đã lên tiếng chia sẻ.

Trước khi
 
Trước khi bắt tay vào việc trao đổi với PV Dân trí xung quanh về bài toán tính gà, PGS.TS. Đỗ Đình Hoan nhấn mạnh: "Đây là một bài toán cụ thể trong một đề kiểm tra do một giáo viên (GV) soạn. Tuy nhiên với tư cách là chủ biên sách giáo khoa (SGK) môn Toán bậc tiểu học thì tôi cũng muốn đưa ra một số ý kiến nhằm làm rõ vấn đề này. Mọi ý kiến đóng góp chúng tôi đều rất trân trọng".
 

Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:

 

Với các phương án:

 

A. 4x8=32

B. 8x4=32

C. 4+8=12

D. 8:4=2

 

Trong bài toán này, em học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A (4x8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8x4=32) mới chính xác.

Thưa PGS, theo chúng tôi được biết, sau khi viết chương trình SGK mới theo tình thần Nghị quyết 40 thì Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn rất kỹ cho GV. Trong quá trình tập huấn những thắc mắc xoay quanh bài toán “tính gà” đã được đề cập đến hay chưa?

PGS.TS Đỗ Đình Hoan: Khi tập huấn, bao giờ chúng tôi cũng làm rõ vấn đề để GV hiểu bản chất, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy. Vấn đề này, đối với chúng tôi thì không có gì mới bởi quá trình tập huấn cũng đã có những ý kiến trao đổi, thậm chí nó đã tồn tại trong giáo dục tiểu học từ nhiều năm nay.

Trước đây, khi trình bày phép tính giải bài toán ở tiểu học thường dùng quy ước viết như sau, chẳng hạn phép tính giải bài toán nêu trên sẽ là 1 con gà x 8 x4 = 32 con gà hoặc 8 x 4= 32 con gà... Vì là quy ước nên khi biên soạn chương trình và SGK mới, chúng tôi đã chọn cách viết 8x4=32 (con gà). Việc quy ước này được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5 khi trình bày cách giải bài toán có lời văn để thống nhất, tránh việc mỗi giai đoạn học tập sẽ viết một kiểu khác nhau.

Trong thực thế, với bài toán nêu trên có thể có một số học sinh (HS) viết theo cách 4x8=32 (con gà) thì GV nên hướng dẫn HS viết đúng quy ước. Tránh những giải thích dễ gây khó hiểu cho HS. GV nên có hình thức khuyến khích, động viên HS học tập, chưa nên nhận xét đúng sai đối với những vấn đề HS chưa học chính thức. Phải qua một quá trình làm quen với tính chất giao hoán qua các ví dụ cụ thể thì lúc đó có thể dạy cho HS một cách tường minh .

Như PGS nói ở trên, cả hai đáp án trên đều đúng nhưng thời điểm đúng của đáp án 4x8 sẽ được minh chứng về sau. Có vẻ GV đã quá nôn nóng khi đưa ra một kiến thức mà học sinh chưa được học vào trong bài toán này?

PGS.TS Đỗ Đình Hoan: Như các bạn đã biết, các bài toán dạng trắc nghiệm mới được chúng ta áp dụng ở những năm gần đây. Nguyên tắc của bài toán trắc nghiệm đa lựa chọn là chỉ có duy nhất một đáp án đúng. Tuy nhiên ở đây có hai phương án mà kết quả như nhau, trong đó có một phương án sau này nó sẽ đúng bởi lúc đó các em sẽ đươc học và nhận thức được 8x4 = 4x8.

Khi cô giáo đưa ra hai đáp án ở trong bài toán tính gà thì rất khó để giải thích cho HS bởi các em chưa có đủ cơ sở. Học cơ sở ở bậc tiểu học chỉ là những kiến thức cơ bản. Tuy nhiên không phải sau một thời gian ngắn là xong mà phải là một quá trình, tiến dần từng bước.

Ở trong GSK cũng như trong sách dành cho GV, chúng tôi không đưa ra các bài toán như vậy. Khi nào cần đưa thì chúng tôi mới đưa ra. Nghĩa là phải đúng thời điểm. Cho nên chúng ta phải đặt nó trong chương trình, trong bối cảnh chung của vấn đề đó, xem cách triển khai như thế nào thì hợp lý.

Trong quá trình tập huấn chúng tôi luôn nhắc, đến tiết học này thì chỉ đặt vấn đề đến đó thôi, không phải là đặt hết tất cả vấn đề.

Trong bài toán cụ thể này, nếu học sinh để số chuồng lên trước thì vẫn là đúng, GV không được nói là sai. Còn vì sao nó đúng thì các em sẽ được giải thích ở lớp kế tiếp.. Chính vì thế tôi nghĩ, trong quá trình giảng dạy hoặc giao bài kiểm tra tốt nhất GV không nên nêu vấn đề này ra để rồi lại gây khó khăn cho HS.

Có nhiều người cho rằng, GV đã quá rập khuôn và áp đặt khi cho rằng đáp án 4x8 là sai. PGS nghĩ sao về điều đó?

PGS.TS Đỗ Đình Hoan: Tôi nghĩ ở tình huống này GV hoàn toàn không bắt bí học sinh mà đây là một hệ thống kiến thức. Để ra được đáp án 8x4 hoặc 4x8 và nói nó bằng nhau được thì phải có một quá trình. Quá trình đó được thể hiện trong chương trình và trong sách giáo khoa đã được Hội đồng Khoa học duyệt.

Ở đây chúng ta cũng chỉ cần lưu ý với GV về cách ra bài toán theo hình thức trắc nghiệm. Nếu GV chỉ đưa vào một cái đúng thôi thì chắc hẳn sẽ không những sự tranh luận trong thời gian vừa qua. GV nên tham khảo các đề thi trắc nghiệm “chuẩn” để tránh những sai sót này.

Khi chúng tôi viết sách thì đều phải tham khảo và kế thừa những kinh nghiệm thành tựu biên soạn các sách GV, SGK trước đây không phải chỉ riêng của Việt Nam mà còn tham khảo kinh nghiệm của quốc tế từ đó chắt lọc ra những vấn đề cần đưa vào sách theo một hệ thống hợp lý phù hợp với một giai đoạn phát triển của giáo dục Việt Nam.

Đối với bậc tiểu học có những cái chưa thể giải thích được mà cần có một quá trình. Ở đây cô giáo đã hơi vội khi đẩy nhanh quá trình, điều đó được thể hiện trong đáp án của bài toán.

Cũng xin nói thêm, trong lần thay sách năm 2002 thì Hội đồng khoa học làm rất kỹ và những vấn đề này cũng được tranh luận với nhau. Tuy nhiên có những kiến thức không phải lúc nào cũng rạch ròi, nhất là đối với bậc tiểu học. Nếu chúng ta cứ mong muốn là rạch ròi thì nhiều thứ sẽ không thực hiện được bởi việc nhận thức cần phải có quá trình.

Tôi cũng hi vọng, chúng ta cũng phải thông cảm cho GV. Chúng ta không chấp nhận dạy cái sai, song đôi khi do vội vàng mà có thể đưa ra những câu hỏi vượt quá yêu cầu của chương trình nên dễ dẫn đến những sai sót không đáng có.

Với một bài toán ở bậc tiểu học nhưng lại nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ. PGS có chia sẻ gì?

PGS.TS Đỗ Đình Hoan: Theo tôi được biết, để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, trong đó có giáo dục tiểu học. Tôi hi vọng có sự đóng góp của các khoa học, các nhà sư phạm, thầy cô giáo để lần đổi mới này đạt được kết quả mong muốn.

Xin cảm ơn PGS!
 
Nguyễn Hùng (thực hiện)