PGS Văn Như Cương nói về bài toán tính gà đang gây tranh cãi
(Dân trí) - Dư luận đang tranh cãi về bài toán tính gà là viết 4x8 hay 8x4 mới đúng, PGS Văn Như Cương, chuyên gia toán học, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Chớ vội bình luận và phê phán, phải hiểu bản chất của vấn đề”.
Vừa qua, một phụ huynh đã đăng tải trên mạng một bài kiểm tra toán tính số gà mà giáo viên đưa ra cho học sinh. Cụ thể như sau:
Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:
Với các phương án:
A. 4x8=32
B. 8x4=32
C. 4+8=12
D. 8:4=2
Trong bài toán này, em học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A (4x8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8x4=32) mới chính xác.
Sau khi báo chí đăng tải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng cô giáo bắt bẻ học sinh và phê phán cô giáo nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định đáp án của cô giáo là đúng.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS Văn Như Cương (ảnh) cho rằng: “Ngày xưa tôi đi học cũng đã có bài toán này nên chớ vội bình luận và phê phán, phải hiểu bản chất của vấn đề, phải hiểu rõ câu hỏi ”.
PGS Cương phân tích: Đáp án của cô giáo đưa ra 8 (gà) x4 =32 là đúng, phải tính số gà thì phải lấy số con gà rồi nhân với số chuồng.
Còn đáp án 4 x 8 là không đúng, bởi viết như thế sẽ hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần mặc dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32. Ở đây chúng ta cần phân biệt cho học sinh hiểu được đâu là đơn vị tính, đâu là số lần được gấp lên.
Ông Cương lấy ví dụ một bài toán để so sánh: Một lớp học có 30 học sinh, hỏi 5 lớp học có bao nhiêu học sinh? Đáp số là: 30 x 5 = 150. Chứ không thể lấy 5 x30 được.
“Dạy học sinh tiểu học hiểu được ý nghĩa của vấn đề cụ thể chứ không thể trừu tượng hóa vấn đề lên như tính chất giao hoán của phép nhân. Trước khi học sinh học trừu tượng hóa con số thì phải từ con số cụ thể rồi mới đến con số trừu tượng. Trong khi đó, con số do ta nói. Học phải có quy trình. Ở đây phải hiểu giáo viên yêu cầu học sinh phải tính cái gì? Ví dụ: có 2 nhà, xe đạp 2 bánh, 2 mắt kính... Các số 2 đó là trừu tượng hóa, là tổng hợp có 2 phần tử. Do đó, không thể phê phán cô giáo được, như vậy không đúng?” - PGS Cương nói.
Ông Cương dẫn giải thêm, ví dụ như bảng chữ cái của chúng ta hiện nay, khi viết thì yêu cầu viết chữ e đầu tiên bởi vì chữ e là chữ đơn giản nhất, dễ viết nhất trong bảng chữ cái. Chúng ta không thể viết ngay chữ a, mặc dù chữ a đứng đầu bảng chữ cái với lý do chữ a viết nhiều nét hơn, khó hơn. Sau viết chữ a mới viết đến các chữ cái khác khó hơn. Học toán cũng phải như vậy.