Bài toán đào tạo nhân lực ngành Marketing
Làm thế nào để sau khi ra trường, các bạn sinh viên có một công việc phù hợp để phát huy tối đa năng lực? Điều gì làm nên sức cạnh tranh cho các bạn trẻ? Đó là bài toán đào tạo rất lớn mà bất kỳ ai quan tâm tới ngành Marketing cũng không thể bỏ qua.
Theo báo cáo của Vietnamworks năm 2011, nhu cầu cho nhân sự ngành Marketing, một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao, lại tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chia sẻ với các bạn trẻ đam mê kinh doanh và Marketing, ông Phạm Thành Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội trong một buổi tọa đàm hồi tháng 5/2014 cho hay: “Thị trường bán lẻ đang rất sôi động và các doanh nghiệp không ngần ngại chi tiền để có được những nhân sự giỏi. Nếu yêu thích ngành Marketing, cơ hội tìm việc của các bạn không thiếu”.
Như vậy có thể thấy một bài toán đang được đặt ra ở đây: Làm thế nào để sau khi ra trường, các bạn sinh viên có một công việc phù hợp để phát huy tối đa năng lực? Điều gì làm nên sức cạnh tranh cho các bạn trẻ? Đó là bài toán đào tạo rất lớn mà bất kỳ ai quan tâm tới ngành Marketing cũng không thể bỏ qua. Hãy cùng tìm hiểu để có cái nhìn thấu đáo hơn.
Tạo mạng lưới liên hệ với các nhà tuyển dụng cho sinh viên
Nhiều sinh viên sai lầm khi cho rằng tìm việc là vấn đề khi ra trường. Do đó lúc tốt nghiệp ngoài tấm bằng ra, các bạn không hề có trong tay một liên hệ nào của các nhà tuyển dụng. Điều này sẽ khiến cho quá trình tìm việc của bạn bị chậm lại hoặc khó khăn hơn vì phải kết nối với doanh nghiệp từ đầu.
Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Vương quốc Anh, nhiều trường đại học đã thành lập riêng một bộ phận hỗ trợ thông tin việc làm cho sinh viên. Ở đó họ làm công việc khảo sát nhu cầu thị trường, quan hệ với các nhà tuyển dụng, giới thiệu việc làm. Đây là một trong những hoạt động rất thiết thực, giúp các bạn sinh viên có ý thức kết nối với các nhà tuyển dụng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Ông David Gee, quản lý tại trường đại học West England (UWE) thuộc thành phố Bristol, cho biết ông đã gặp gỡ rất nhiều nhà tuyển dụng trên toàn thế giới để làm sáng tỏ thế mạnh của sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Vương quốc Anh so với sinh viên tốt nghiệp tại bản địa. Ông sáng lập ra một website chuyên về nghề nghiệp ở Vương quốc Anh dành cho sinh viên và cựu sinh viên. Gradlink (http://www.gradlinkuk.com) thu hút hàng nghìn người truy cập mỗi tuần và cộng tác với trên 250 nhà tuyển dụng. Website này là niềm tự hào của sinh viên UWE và là nơi tìm kiếm của nhiều sinh viên đang học tập tại Vương quốc Anh.
Với góc nhìn của một người có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các nhà tuyển dụng và am hiểu nhiều nền giáo dục, theo ông David Gee, các nước có nền giáo dục tiên tiến và đặc biệt là Vương quốc Anh thường có nhiều chính sách nhằm chú trọng tới chất lượng đầu ra của sinh viên. Một trong số đó, họ có cách hướng dẫn sinh viên tiếp cận các vấn đề học thuật thực sự rất dễ chịu. Sinh viên được áp dụng kiến thức đã học ở giờ lên lớp và giờ hướng dẫn vào các tình huống mới nhất xảy ra trong thực tế. Sinh viên được tự điều tra, nghiên cứu độc lập nhằm điều chỉnh chiến dịch Marketing phù hợp với thị trường ở chính quốc gia mình. Qua cách học này, 4 năm học sinh viên sẽ liên tục được rèn luyện kỹ năng phân tích vấn đề, giải quyết vấn đề và tính sáng tạo. Tôi tin chắc rằng đó là những tố chất cần thiết của một quản lý cấp cao.
Chiến lược đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
Ngoài ra, các nước tiên tiến cũng có những chiến lược hợp tác chặt chẽ với những công ty lớn để đảm bảo nội dung khóa đào tạo bám sát nhu cầu ngành. Thực sự họ rất thông minh khi có nhiều hoạt động phát huy và khẳng định sinh viên của mình như một người sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo tại bất kỳ công ty, tập đoàn nào trên thế giới.
Giảng viên của các trường cũng là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực ngành nghề để truyền thụ những kiến thức có cơ sở thực tế và cập nhật nhất: “Tất cả các thầy cô của chúng tôi không chỉ là giảng viên mà còn là nhà nghiên cứu, nhà tư vấn cao cấp cho nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, IMF. Kinh nghiệm thực tế của thầy cô luôn được áp dụng ngay trong các bài giảng giúp chúng tôi luôn được tiếp xúc và đặt mình vào vai trò giải quyết các vấn đề thực sự tồn tại” - bạn Phan Hoàng Lan (Cựu du học sinh Đại học Oxford - UK).
Lưu Thị Hương Giang, sinh năm 1988, hiện đang làm ở vị trí Marketing Research tại Công ty Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế và Marketing, ĐH Dundee, Vương quốc Anh, chia sẻ: “Không có ngành học nào cung cấp đủ kiến thức cho bạn khi bạn ngồi trên giảng đường, cái bạn có thể học được là kỹ năng cũng như những kiến thức cơ bản cần có, còn kinh nghiệm và kiến thức thực tế thì bạn cần phải tự mình trau dồi. Hãy đi và trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn và bạn sẽ thấy việc đó giúp ích rất nhiều cho ngành học này.”
Phạm Trần Thùy Dương, sinh năm 1987, tốt nghiệp ngành Marketing Management tại ĐH Southampton, Vương quốc Anh: “Những kiến thức về chăm sóc và am hiều khách hàng từ trường lớp khiến cho mình tiếp nhận công việc nhanh chóng từ những ngày đầu đi làm. Hơn nữa, vì đã được trang bị những công cụ đo lường marketing qua các môn học nên việc mình đưa ra những giải pháp đo lường trong công việc rất được cấp trên đánh giá cao.”
Như vậy, hãy chọn Marketing nếu bạn cảm thấy yêu mến và tâm huyết với nó. Và sau đó, chọn học ở một ngôi trường mà nó có khả năng mang tới cho sinh viên một môi trường thuận lợi để bạn học tập, rèn luyện, phát huy các phẩm chất quý báu của chính bạn và cơ hội rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tính sáng tạo cao như nhận xét của chuyên gia David Gee của UWE. Đó là những tố chất của một nhân sự cấp cao. Và trái ngược với những gì mọi người đang nói, nền kinh tế càng khó khăn, người ta càng săn tìm những người như bạn.
Ông David Gee sẽ sang Việt Nam với tư cách diễn giả tại 2 buổi nói chuyện “Kỹ năng nghề nghiệp cho tương lai tươi sáng” cho ngành Marketing và Truyền thông sắp tới do Hội đồng Anh tổ chức. Thông tin chi tiết sẽ được cập nhật tại website của chương trình: http://www.educationuk.org/vietnam/