Bài thi tuyển sinh riêng của 3 trường đại học lớn có gì khác biệt?

Mạc Doanh

(Dân trí) - Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực và bài thi đánh giá tư duy để tuyển sinh.

Vậy các bài thi riêng của ba cơ sở giáo dục đại học lớn này có gì khác? Được biết, điểm chung là cả 3 bài thi đều gồm 3 phần. Tuy nhiên, với mỗi trường, từng phần có yêu cầu khác nhau.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội: 70 phút hỏi về tư duy toán học

Phần 1: Tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút) về lĩnh vực Toán học; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề tư duy toán học, suy luận, lập luận, tư duy logic, tư duy tính toán, khái quát hóa, mô hình hóa toán học, sử dụng ngôn ngữ và biểu diễn toán học, tư duy trừu tượng không gian.

Phần 2: Tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút) có các câu hỏi về Văn học - Ngôn ngữ; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề tư duy logic, tư duy ngôn ngữ tiếng Việt.

Phần 3: Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút) gồm cả phần tự nhiên và xã hội; đánh giá năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, tư duy, lập luận và tổng hợp, ứng dụng, am hiểu đời sống kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó còn đánh giá các năng lực đặc thù như: năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử thông qua lĩnh vực Lịch sử; năng lực nhận thức thế giới theo quan điểm không gian thông qua lĩnh vực Địa lý; năng lực nghiên cứu và thực nghiệm thông qua lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Các câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan (lựa chọn 1 trong 4 đáp án) và câu hỏi điền đáp án.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM: Sử dụng ngôn ngữ gồm 40 câu hỏi

Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ gồm 40 câu hỏi, trong đó có 20 câu hỏi tích hợp kiến thức về Ngữ văn đòi hỏi thí sinh nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan. 20 câu hỏi tiếp theo kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh ở cấp độ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, gồm các câu hỏi về cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.

Phần 2: gồm 30 câu hỏi Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu nhằm đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh phân tích số liệu.

Phần 3: gồm 50 câu hỏi đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc năm lĩnh vực, gồm ba lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) và hai lĩnh vực Khoa học xã hội (Địa lí, Lịch sử).

Bài thi được thiết kế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn, thang điểm của bài thi là 1.200 điểm.

Bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong 180 phút

Bài thi gồm 3 phần, trong 180 phút. Phần một là đánh giá năng lực Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút.

Phần này đánh giá bốn kỹ năng là mô hình hóa Toán học, giải quyết vấn đề, tư duy và lập luận Toán học, kỹ năng giao tiếp Toán học.

Phần hai là phần Đọc hiểu, thời gian làm bài trong 30 phút với khoảng 3 - 4 bài đọc, mỗi bài dài 800 - 1.000 từ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Số câu hỏi sau mỗi bài đọc là 6 - 9 câu.

Phần ba là bài tự chọn. Thí sinh sẽ 1 trong 3 nội dung là bài Lý - Hóa, Hóa - Sinh hoặc Tiếng Anh. Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng. Thí sinh làm bài trong 60 phút.

Đến nay, đã có hơn 70 trường công nhận kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển sinh. Kết quả bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Trường ĐH Mỏ địa chất và Trường ĐH Xây dựng lấy để coi là một phương thức xét tuyển sinh năm nay.

Trường ĐH Ngoại thương đã thông báo lấy kết quả bài thi năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển đối với cơ sở phía Bắc và của ĐH Quốc gia TPHCM để xét tuyển cơ sở phía Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm