Bài thi TOEIC: Lợi thế của người làm việc trong môi trường quốc tế
(Dân trí) - Bài thi tiếng Anh TOEIC quốc tế của Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt là trước lộ trình triển khai cập nhật một số điểm trong bài thi từ giữa tháng 2/2019 tới đây. Có trong tay chứng chỉ TOEIC sẽ mang lại những cơ hội gì cho người đi làm trong môi trường làm việc quốc tế khiến bài thi này có sức hút lớn như vậy?
Tiêu chí của các doanh nghiệp hàng đầu
Bà Vân Anh – Giám đốc nhân sự tại công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam cho biết: "Giữa hai ứng viên có cùng trình độ, khả năng, kinh nghiệm như nhau, chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn những ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”.
Quan điểm của bà Vân Anh thể hiện xu hướng chung của các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. Cho rằng tiếng Anh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc, 95% nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao hơn đến 30% cho ứng viên thành thạo tiếng Anh.
Tại hội nghị Bộ trưởng Nguồn nhân lực APEC được tổ chức tại Hà Nội năm 2017, một báo cáo của tổ chức tuyển dụng lớn đã chứng minh, ở Việt Nam 40% sinh viên được tuyển dụng nhờ trình độ Tiếng Anh và CNTT, trong đó việc chứng minh được năng lực tiếng Anh của bản thân là rất quan trọng.
Một trong những doanh nghiệp lớn đã sớm nhìn nhận giá trị của TOEIC quốc tế và sử dụng làm tiêu chí đánh giá trình độ tiếng Anh của đội ngũ nhân lực là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đã nhanh chóng đón đầu xu hướng và sử dụng TOEIC quốc tế trong tuyển dụng và đánh giá cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong suốt nhiều năm qua.
Ông Trần Hữu Quân, Trưởng Ban tổ chức nhân lực của Vietnam Airlines cho biết: “Vietnam Airlines đã sử dụng chuẩn tiếng Anh TOEIC quốc tế làm tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh của CBCNV từ năm 2005. Nhờ đó trong 13 năm triển khai, chúng tôi đã chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho các vị trí công việc , qua đó duy trì và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của Vietnam Airlines”.
Là một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam và tham gia đầu tư hạ tầng mạng lưới viễn thông tại 10 quốc gia trải dài từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel đã sử dụng TOEIC trong khâu tuyển dụng nhân sự đầu vào, đánh giá CBCNV, nâng bậc – tăng lương cho CBCNV.
Từ năm 2015, Viettel đã tiêu chuẩn hóa trình độ tiếng Anh trong Tập đoàn thông qua thang điểm TOEIC đối với các nhóm CBCNV khác nhau: từ cấp chuyên viên đến đội ngũ nhân sự cấp trung và cấp cao. Không những áp dụng cho CBCNV đang công tác ở Việt Nam, Viettel còn sử dụng bài thi tiếng Anh TOEIC để đánh giá cho CBCNV đang công tác tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư như Lào, Campuchia, Myanmar...
Với đặc thù ngành kiểm toán và đặc trưng khách hàng của Hãng Kiểm toán AASC, ngoại ngữ là kỹ năng quan trọng khi hướng tới phân khúc khách hàng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các dự án do các tổ chức tín dụng quốc tế tài trợ. Chính vì vậy, AACS đã sử dụng chuẩn tiếng Anh quốc tế TOEIC làm tiêu chí ưu tiên tuyển dụng thực tập sinh và nhân sự đầu vào từ năm 2016.
“Chúng tôi hài lòng với các ứng viên trúng tuyển có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC quốc tế. Các ứng viên này không những có khả năng xử lý các tài liệu bằng tiếng Anh và giao tiếp với đối tác nước ngoài ở trình độ quốc tế mà còn giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn. Điều này cũng gián tiếp nâng cao hiệu quả công việc của đội ngũ nhân sự và góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ của AASC.” - Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc AASC khẳng định.
Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam – đơn vị duy nhất được ETS ủy quyền triển khai bài thi TOEIC quốc tế tại Việt Nam.
Tại sao phải là TOEIC?
Từ khi bài thi TOEIC được đưa giới thiệu vào Việt nam và sử dụng như một tiêu chuẩn tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp lớn đã nhận thấy lợi ích của việc dùng TOEIC làm chuẩn Tiếng Anh là rất lớn đối với doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của những người làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, những năm trước đây, việc tuyển nhân viên có khả năng sử dụng tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu công việc là rất khó khăn, doanh nghiệp phải bỏ ra một ngân sách tương đối lớn để đào tạo lại tiếng Anh cho nhân viên.
Sau khi sử dụng chuẩn TOEIC để tuyển dụng một số năm, doanh nghiệp đã khá dễ dàng tuyển được nhân viên có trình độ tiếng Anh khá, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Mức chuẩn TOEIC tuyển dụng của một số vị trí tăng lên đáng kể, mặt bằng về năng lực sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp cải thiện một bước rất lớn, đáp ứng chiến lược phát triển theo định hướng Quốc tế hoá doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, TOEIC được bắt đầu tổ chức thi từ năm 2000 thông qua đại diện quốc gia chính thức và duy nhất của ETS là Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam. TOEIC đã và đang được sử dụng làm tiêu chuẩn tuyển dụng và đánh giá nhân sự tại gần 500 tập đoàn lớn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn trên toàn quốc thuộc tất cả các lĩnh vực. Đi tiên phong là các Tập đoàn Đa quốc gia có đầu tư và hoạt động tại Việt Nam như: Samsung, LG, Posco, Canon, Yamaha, Sumitomo, Nissan, Deloitte, World Bank,…
Tiếp theo là các tập đoàn trong nước ở gần hết các ngành kinh tế trọng yếu như: Ngành hàng không có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air), Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (NIA) và các đơn vị liên quan; Ngành Dầu khí gồm các Tổng công ty và nhà máy lọc dầu lớn như Lọc Dầu Dung Quất, Lọc Dầu Nghi Sơn…; Ngành Ngân hàng nổi bật nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngành Viễn thông dẫn đầu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),…
Như vậy, gần như hầu hết các tập đoàn nhà nước lớn ở Việt Nam đều đã và đang sử dụng TOEIC trong tuyển dụng và đánh giá nhân sự. Đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân, Vingroup cũng sử dụng TOEIC để chuẩn hóa chất lượng đội ngũ nhân sự của tập đoàn và các đơn vị thành viên. Sau một thời gian sử dụng, chuẩn tiếng Anh của các doanh nghiệp này ngày một nâng cao, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo nhân sự.
Nắm bắt được xu thế và nhu cầu của các nhà tuyển dụng, chính vì quyền lợi của sinh viên khi ra trường nên những trường Đại học hàng đầu của Việt Nam đã chọn tiếng Anh TOEIC quốc tế và TOEFL quốc tế làm chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Nhằm bám sát xu thế giao tiếp tiếng Anh hiện đại, gần đây bài thi TOEIC cập nhật đã được triển khai tại một số quốc gia trên thế giới và được các tập đoàn lớn đánh giá cao. Mặc dù có một số thay đổi trong dạng thức các câu hỏi, bài thi TOEIC cập nhật đảm bảo giữ nguyên độ khó của cả bài thi cũng như từng phần thi.
Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam – đơn vị duy nhất được ETS ủy quyền triển khai bài thi TOEIC quốc tế tại Việt Nam, ngày 15/08/2018, đã có thông báo về việc chính thức áp dụng bài thi TOEIC có cấu trúc cập nhật từ ngày 15/02/2019 tới đây.
TOEIC (Test of English for International Communication) là bài thi do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) nghiên cứu và phát triển nhằm đo lường năng lực tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế dành cho những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ.
Trong gần 40 năm tồn tại và phát triển của bài thi trên thế giới, TOEIC được công nhận bởi gần 14.000 tổ chức tại 160 quốc gia với 7 triệu bài thi mỗi năm.