Bài học thành công nhìn từ một cuộc thi sáng tạo quốc tế
(Dân trí) - "Trình bày ý tưởng một cách đơn giản nhất", sự tự tin, khả năng sáng tạo và tính khả thi... là những gợi ý tốt cho sinh viên trên con đường khởi nghiệp nhìn từ cuộc thi sáng tạo quốc tế Henkel Innovation Challenge diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) vừa qua.
Những người trẻ đi "bán" ý tưởng
Mặc dù thừa nhận rằng Henkel không dùng ý tưởng từ những sinh viên tham dự HIC để phát triển thành sản phẩm cho mình, nhưng không thể phủ nhận rằng qua 6 kỳ HIC, Henkel đã có được một kho khổng lồ với 20.000 ý tưởng từ những cái đầu sáng láng và những trái tim nóng hổi của người trẻ khắp thế giới. Các ý tưởng này, qua các vòng thi, sẽ tiếp tục được nhào nặn, phát triển và "nấu chín" hơn với sự cố vấn, hỗ trợ từ các nhà quản lý cấp cao của Henkel trên toàn cầu.
Nếu trong năm đầu tiên, HIC chỉ thu hút được các sinh viên từ 6 nước Tây Âu, thì sau 5 kỳ tổ chức, HIC6 đã đón hơn 1.000 ý tưởng từ các sinh viên tư 27 nước, rải đều trên các châu lục. Điều thú vị là mặc dù cả 5 kỳ chung kết HIC trước đó đều được tổ chức ở các nước châu Âu, HIC6 thu hút được tới 461 ý tưởng từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 44% tổng số hồ sơ đăng ký. Đông Nam Á - nơi có các ý tưởng từ sinh viên Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan - chiếm hơn 20% số ý tưởng toàn cầu.
Sự thịnh hành của Facebook tại Việt Nam có thể đã giúp HIC, khi fanpage với hơn 30.000 người quan tâm của HIC có tỷ lệ đóng góp lớn từ các bạn trẻ Việt Nam. Tương ứng, số ý tưởng đăng ký từ Việt Nam cũng đứng đầu Đông Nam Á với 66 hồ sơ. Mặc dù chỉ có 1 đội của hai sinh viên Phạm Kiều Trâm và Nguyễn Vũ Ân (Đại học Ngoại thương TPHCM) lọt vào vòng chung kết khu vực, sức hút của cuộc thi "không có chỗ cho lý thuyết suông" này đang ngày một lớn với sinh viên Việt Nam, đặc biệt đối với các nhóm ngành kinh doanh, kỹ thuật, hóa...
Phạm Kiều Trâm (SV năm thứ 2 trường Đại học Ngoại thương TP.HCM), người vừa cùng bạn đồng hành Nguyễn Vũ Ân tham dự vòng loại HIC 6 với ý tưởng về một sản phẩm kết dính tinh thể để phủ bề mặt kính ứng dụng trong các công trình xây dựng, cho biết mặc dù không lọt vào vòng chung kết nhưng quá trình tham dự cuộc thi đã giúp bạn có được những bài học quý.
"Qua cuộc thi, em nhận thấy những khoảng cách nhất định giữa sinh viên Việt Nam và các bạn đến từ những nước phát triển hơn. Ngoài kỹ năng tiếng Anh, việc trình bày và phát triển các ý tưởng phổ biến hơn ở các nước tiên tiến, nên các bạn trình bày ý tưởng của mình một cách tự tin, với một niềm tin mãnh liệt vào những điều mình đang trình bày", Kiều Trâm cho biết.
Thuyết trình ý tưởng sản phẩm trước Ban giám khảo "khó tính" là bài học hữu ích với các sinh viên trên đường khởi nghiệp sau này.
Mặc dù đêm gala 20/3 tại Thượng Hải chỉ xướng tên 3 đội chiến thắng đến từ Đức, Nga và Bỉ với phần thưởng là một cuộc nói chuyện với CEO Kasper Rorsted và các giải thưởng có giá trị kinh tế lần lượt 10.000 - 4.000 và 2.000 euro, nhưng những đội được đến và không được đến với vòng chung kết quốc tế đều có chung nhận xét rằng họ là người thắng cuộc.
3 vòng thi, với những yêu cầu khắt khe và những câu hỏi đầy tính chất vấn về cơ sở khoa học, nhu cầu thực tiễn và khả năng tạo lợi nhuận của các ý tưởng sản phẩm dự thi đã thúc ép các sinh viên phải đặt mình vào vai trò của nhà khoa học ứng dụng, đồng thời là nhà kinh doanh thứ thiệt. Không ít bạn trẻ đã bất ngờ vì hóa ra ý tưởng của mình đã được ứng dụng từ lâu, hoặc ý tưởng của mình không có mảnh đất hiện thực, hoặc chưa có kế hoạch marketing để đạt hiệu quả kinh doanh mong muốn.
Với hai chàng trai đến từ Ấn Độ Yadav và Pande, thắng lợi của họ chính là cơ hội được nói trước hàng chục nghìn người trẻ về ý thức đối với sự bền vững của thế giới: "Mỗi nơi bạn sống đều tồn tại những vấn đề cần cải thiện, do đó mỗi người đều có cơ hội để giúp cuộc sống tốt hơn bằng ý tưởng của mình. Với chúng tôi, những cuộc thi như HIC giúp chúng tôi đưa ý tưởng của mình đến gần hơn với thực tế". Nhận ra rằng ý tưởng sản phẩm cải tiến môi trường của mình chưa có tính thực tế thương mại cao, Yadav tin rằng sự cố vấn từ các nhân sự quản lý cao cấp của Henkel trong các vòng thi giúp anh và người đồng hành hoàn thiện thêm ý tưởng trong tương lai gần.
Ví HIC như một "cánh cửa mới định hướng tương lai nghề nghiệp, Marco Cheung và Vincy Sun (những người dành giải nhất HIC5) cho rằng điều họ gặt hái được lớn nhất chính là sự hướng dẫn và vỡ vạc mà họ đạt được sau mỗi vòng thi. "Sự hỗ trợ tài chính đầy đủ của Henkel giúp chúng tôi được đến Thượng Hải và Warsaw, trong một môi trường đa văn hóa. Sự cố vấn, hỗ trợ không chỉ giới hạn trong cuộc thi, trong những lời khuyên cho ý tưởng chúng tôi đang theo đuổi, mà còn hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của chúng tôi", Cheung và Sun chia sẻ.
Dường như, chính những giá trị đó thu hút các bạn trẻ trên khắp thế giới nhiều hơn là giá trị kinh tế của các giải thưởng. Chính vì thế, không bất ngờ khi nhìn thấy hình ảnh cô gái Ba Lan vượt qua chuyến bay dài hàng chục tiếng đồng hồ để đến Thượng Hải với đôi nạng và chiếc chân gãy, hay ánh mắt háo hức của những người đến muộn vì trục trặc thủ tục visa hoặc máy bay trễ chuyến...
Có thể tóm gọn trong vài câu ngắn ngủi của ông Jean Baptiste Santoul - Tổng Giám đốc công ty kinh doanh sản phẩm giặt tẩy và chăm sóc nhà cửa tại Benelux: "Cuối cùng thì tất cả các sinh viên tham dự đều là người chiến thắng. Vì tất cả họ đều thu nhận được nhiều trải nghiệm kinh doanh sâu sắc, và được làm việc với các nhà quản lý của một công ty quốc tế".
Bài học thành công
Những hoạt động bên lề mang lại cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin tốt cho các sinh viên.
Với các bạn trẻ hứng thú với cuộc thi này, ông Jens Plinke - Giám đốc toàn cầu về Thương hiệu nhà tuyển dụng của Henkel cho rằng đây là một cuộc thi đẳng cấp cao, với các yêu cầu rất chuẩn mực và thực tế. "Để thành công trong trình bày ý tưởng của mình, các bạn cần nhiều yếu tố: kinh nghiệm thực tế trong suốt quá trình giáo dục, sự am hiểu vấn đề đang trình bày, sự thực tế và khả thi dưới góc độ thực hiện và kinh doanh, có một góc nhìn quốc tế hóa thay vì chỉ tìm giải pháp mang tính địa phương gói gọn trong mỗi nước", ông Plinke nói.
Đơn giản hơn, bà Jessica Thiel - Giám đốc toàn cầu về đào tạo, quản lý và phát triển tài năng; Giám đốc Nhân sự của Henkel, cho rằng bí quyết để truyền đạt ý tưởng thành công chính là sự đơn giản: "Khi bạn truyền đạt một cách đơn giản nhất, người khác sẽ hiểu rõ ý tưởng của bạn nhất mà không bị sa vào những chi tiết vụn và không bị phân tâm".
Đối với 2 sinh viên Việt Nam, quy định của cuộc thi không cho Trâm và Ân có cơ hội trở lại với "mùa giải" năm sau, nhưng Trâm cũng kịp rút ra những bài học kinh nghiệm mong muốn gợi ý cho các sinh viên Việt Nam khác có mong muốn thử sức ở sân chơi này: "Việc trình bày ý tưởng một cách đơn giản nhất là rất quan trọng, nhưng để làm được điều đó mình phải hiểu rõ nền tảng khoa học của ý tưởng mà mình đang phát triển, phải suy nghĩ nghiêm túc về tính khả thi của ý tưởng và thực sự tin vào điều mình nói. Bản thân mình phải nắm vững và tin, thì mới có thể thuyết phục người khác tin", Trâm cho biết.
Ngoài ra, cũng theo cô sinh viên năm thứ 2 này, muốn thể hiện được mình ở sân chơi lớn HIC, cần có sự chuẩn bị dài hơi, đầu tư nghiêm túc cho đề tài của mình, bỏ qua mọi sự mặc cảm nhỏ nhặt, và hơn hết là có niềm say mê nghiên cứu khoa học. "Sự hòa nhập cũng là điều rất cần thiết, bởi xét cho cùng giải nhất, nhì hay ba không quan trọng bằng những kinh nghiệm mà chúng ta học được từ cuộc thi và từ những bạn bè quốc tế tại sân chơi này", Trâm chia sẻ, "với em, cuộc thi là một quãng thời gian đầy giá trị".
Ông Plinke cũng gửi gắm thêm, để bước vào HIC hay mọi thách thức khác trên bước đường thành công, các bạn trẻ nên tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và trình bày các ý tưởng, nhận thật nhiều phản hồi. Qua đó, họ sẽ tự rút ra được công thức thành công cho riêng mình.
Hồng Kỹ