Bác sĩ nội trú Việt Nam - đi học, bác sĩ nội trú Mỹ - hành nghề

(Dân trí) - “Bác sĩ nội trú tại Mỹ được đào tạo theo mô hình bậc thang, là một nghề như bất kỳ nghề nào khác, được trả lương khoảng 50.000-60.000 USD/ năm, có bảo hiểm, ngày nghỉ (4 tuần/ năm) và tiền hưu trí”, bác sĩ người Mỹ gốc Việt Wynn Tran chia sẻ.

Bác sĩ Wynn Tran đang làm việc tại Mỹ. Anh được đào tạo chuyên nghiệp tại Mỹ (từ bậc ĐH, trường Y, nội trú chuyên khoa) và là người sáng lập, điều hành tổ chức Y khoa phi lợi nhuận VietMD.net, chuyên giúp các bác sĩ Việt Nam vào bác sĩ nội trú (BSNT) ở Hoa Kỳ.

BS Wynn Tran giới thiệu với độc giả Dân trí những điểm thú vị trong mô hình đào tạo bác sĩ nội trú tại Mỹ.

Việt Nam có 10 trường Y được nộp đơn vào BSNT Mỹ

Bác sĩ nội trú là bước cuối cùng trong quy trình đào tạo bác sĩ tại Mỹ. Tại Mỹ, ngành Y là ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất. Thời gian trung bình để thành bác sĩ (BS) tại Mỹ là 12 năm (4 năm ĐH + 4 năm trường Y + 3-8 năm làm nội trú và chuyên khoa sâu).

Các SV tốt nghiệp từ trường Y trong nước Mỹ, các SV và BS tốt nghiệp trên khắp thế giới đều có quyền nộp đơn xin làm nội trú tại Mỹ nếu đủ điều kiện.

Từ năm 1956, tổ chức phi lợi nhuận ECFMG (Educational Commission on Foreign Medical Graduate) được thành lập nhằm quản lý và hướng dẫn các BS/SV tốt nghiệp từ nước ngoài xin vào nội trú Mỹ.

Các BS nước ngoài sau khi thi các kỳ thi USMLE giống như SV trong nước sẽ được cấp giấy chứng nhận tương đương và được xem là đủ điều kiện nộp đơn nội trú. Thực tế, để các BS nước ngoài muốn vào được nội trú Mỹ, họ phải đạt điểm rất cao (thường là cao hơn 99%) trong lần thi đầu tiên và phải tốt nghiệp từ một trong những trường y được ECFMC công nhận.


Danh sách 10 trường Y ở Việt Nam có thể xin vào nội trú Mỹ (được nêu tên chính thức trong trang FAIMER).

Danh sách 10 trường Y ở Việt Nam có thể xin vào nội trú Mỹ (được nêu tên chính thức trong trang FAIMER).

Tuy có trên 20 trường ngành Y nhưng chỉ có 10 trường của Việt Nam là được nêu tên chính thức trong trang FAIMER (Foundation for Advancement of International Medical Education and Research - Cơ quan Cải tiến Nghiên cứu giáo dục y khoa quốc tế) của ECFMG, là một tổ chức thành viên của hội đồng Y khoa Hoa Kỳ. Tốt nghiệp từ các trường trong danh sách FAIMER là điều kiện cơ bản để được nộp đơn vào nội trú Hoa Kỳ.

Vì vậy, BS tốt nghiệp từ các trường ngoài FAIMER sẽ không bao giờ được phép xin vào nội trú tại Mỹ. Rất nhiều nước trên thế giới dùng FAIMER như một công cụ cơ bản để kiểm tra tính chính danh của trường Y.

Hiện nay, có đến 1/4 bác sĩ Mỹ là học Y khoa ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành nội trú thì chất lượng các BS có thể xem là tương đương nhau và được trả lương như nhau, không phân biệt là BS tốt nghiệp tại Mỹ hay nước ngoài. Bằng chính sách mở cửa này, nước Mỹ đã thu hút được rất nhiều BS giỏi nhất của thế giới vào chương trình nội trú của mình.

Sẽ thế nào khi BSNT Mỹ bị bệnh nhân kiện?

BSNT tại Mỹ được đào tạo theo hình thức bậc thang. Đa số các chương trình BSNT được công nhận ở Mỹ được kiểm soát bởi ACGME (Accreditation Council on Graduate Medical Education), một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận theo dõi khoảng 9,600 chương trình nội trú, trên 130 chuyên khoa, với tổng cộng 120,000 BSNT.

Chương trình nội trú bên Mỹ kéo dài từ 3 đến 7 năm tùy theo chuyên ngành. Các chuyên ngành nội trú đa khoa gồm có nội tổng quát, cấp cứu, y khoa gia đình, và nhi khoa kéo dài 3 năm. Các chuyên khoa khác như chuẩn đoán hình ảnh (1 năm thực tập + 4 năm nội trú), nội thần kinh (1 năm thực tập + 3 năm nội trú), cho đến ngoại thần kinh (1 năm thực tập + 6 năm nội trú).

BSNT tại Mỹ được đào tạo theo hình thức bậc thang, càng lên cao, BSNT càng độc lập và nhiều trách nhiệm trong việc giảng dạy và chăm sóc bệnh nhân. Từ năm đầu tiên (PGY1, Postgraduate Year 1) đến năm cuối (PGY 3 với nội khoa, nhi khoa, cấp cứu, hoặc PGY5 với ngoại khoa), các BSNT sẽ trải qua nhiều bước và được xét duyệt hằng năm để được đưa lên năm sau.


Bác sĩ Wynn Tran (thứ 2 từ trái sang) và đồng nghiệp làm nội trú tại Bassett Medical Center - Bệnh viện giảng dạy của ĐH Y khoa Columbia University College of Surgeons and Physicians, New York, Mỹ.

Bác sĩ Wynn Tran (thứ 2 từ trái sang) và đồng nghiệp làm nội trú tại Bassett Medical Center - Bệnh viện giảng dạy của ĐH Y khoa Columbia University College of Surgeons and Physicians, New York, Mỹ.

Ở mỗi năm nội trú, các BSNT được đánh giá qua từng bước trưởng thành gọi là milestone do ACGME quy định, gồm 6 kỹ năng: Chăm sóc bệnh nhân, kiến thức y khoa, cải thiện cách chăm sóc bệnh nhân, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và làm việc theo hệ thống.

Nếu BSNT không đủ điều kiện thăng cấp, họ có thể sẽ phải ở lại làm thêm 1-2 năm nữa để được cân nhắc.Nếu không đủ điều kiện để làm việc họ có thể bị nghỉ việc và khó có thể hành nghề y tại Mỹ.

Khi vào nội trú rồi, các BSNT sẽ có bằng hành nghề tạm thời (Limited physician license) và làm việc dưới sự hướng dẫn các BSNT năm trên (senior residents) và BS chính hay BS cọc (attending physician).

Năm đầu tiên nội trú (PGY1) là năm BS thực tập (Intern physician) vì làm việc chủ yếu theo sự hướng dẫn của các BS năm trên (senjor resident) và BS chính (attending). Năm thứ 2 trở đi (Postgraduate Year, PGY2), các BS chính thức gọi là BS nội trú, không còn là BS thực tập nữa.

Càng lên cao, BSNT có nhiều quyền hơn, thêm trách nhiệm, và càng hoạt động độc lập trong điều trị. Nhiều BSNT năm 3 đến năm 5 đã có thể đi làm thêm (Moonlight) bên ngoài sau khi có bằng hành nghề (full license).

Điểm thú vị là khi bị bệnh nhân kiện, tất cả các BS (dù năm nội trú nào đi nữa) cũng sẽ bị kiện như nhau, nhưng càng lên cao trách nhiệm sẽ càng nhiều hơn.


Bác sĩ Mỹ gốc Việt Wynn Tran trong một cuộc hội thảo ngành y.

Bác sĩ Mỹ gốc Việt Wynn Tran trong một cuộc hội thảo ngành y.

Ai trả lương cho BSNT Mỹ?

Chi phí đào tạo BSNT hằng năm khoảng 16,2 tỉ USD và chi trả từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn từ chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình Medicare CMS, Medicaid, VA của bộ quốc phòng. Trước năm 1965, BSNT Mỹ được trả lương từ bệnh viện thông qua giá chi phí khám bệnh từ bệnh nhân.

Từ năm 1965, chương trình Medicare của CMS từ Bộ Y tế Hoa Kỳ đã trả lương cho BSNT nhằm giảm gánh nặng chi phí cho bệnh viện. Hiện nay, số lượng và chi phí đào tạo BSNT của Mỹ hàng năm do Quốc hội Mỹ quyết định.

Chi phí đào tạo cho BSNT hàng năm rất cao, trung bình khoảng 100.000 USD/ BSNT và dao động tùy tiểu bang khác nhau. Trong tổng số 100.000 USD đó, BSNT sẽ được trả lương khoảng 50.000-60.000 USD. Phần còn lại sẽ được trả cho bệnh viện và BS giảng dạy. Bác sĩ nội trú tại Mỹ là một nghề như bất kỳ nghề nào khác, được trả lương, có bảo hiểm sức khoẻ, ngày nghỉ (4 tuần/năm) và tiền hưu trí.

Khác với BSNT tại Việt Nam là đang đi học (education) và phải thi, BSNT tại Mỹ là nghề và họ sẽ hành nghề (training). Vì vậy, không hề có kỳ thi tuyển sinh nội trú mà thay vào đó là quá trình nộp đơn và xét duyệt như đã nói bên trên.

Bác sĩ nội trú Việt Nam - đi học, bác sĩ nội trú Mỹ - hành nghề - 4

Gợi ý giải câu hỏi “tiền đâu để đào tạo?”

BSNT được xem là nguồn nhân lực chính để chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện tại Mỹ. Tất cả các bệnh viện hàng đầu nước Mỹ đều là BV giảng dạy và đào tạo BSNT (Yale, Mayo Clnic, Stanford, UCLA, USC, Harvard, Hopkins, UCSF).

Làm BSNT là một bước bắt buộc cho tất các các BS tại Mỹ trước khi chính thức trở thành BS hoạt động độc lập và được chứng nhận chuyên khoa. Đối với nhiều BV tại Mỹ, BSNT là nguồn lao động rẻ và tăng thêm thu nhập của bệnh viện. Vì vậy, đa số các BV ở Mỹ đều muốn trở thành bệnh viện giảng dạy đó được nhiều ưu tiên từ các hãng bảo hiểm và Chính phủ.

Thêm vào đó, đào tạo BSNT là một danh hiệu để quảng cáo chất lượng của bệnh viện do sự kiểm định chất lượng ngặt nghèo từ tổ chức kiểm định ACGME”.

“Nếu các bệnh viện Việt Nam biết tận dụng và tổ chức đào tạo BSNT, đây có thể là một hướng mới để giải quyết câu hỏi "tiền đâu" trong việc đào tạo BSNT”, Bác sĩ Wynn Tran chia sẻ.

“Ngày nay, vai trò của bác sĩ thời hiện đại đã thay đổi nhiều. Bác sĩ tại Mỹ không hề có quan niệm là "lương y như từ mẫu". Thay vào đó, BS Mỹ được xem là người lãnh đạo trong dịch vụ y tế, kết nối các chuyên viên, nhằm cung cấp thông tin và chất lượng chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.

Bác sĩ phải là người cung cấp dịch vụ tốt, lắng nghe bệnh nhân, và cộng tác thân thiết cho sức khỏe của bệnh nhân. Chương trình BSNT là phần thứ 3 trong 3 phần đao tạo bác sĩ tại Mỹ nhằm thực hiện ý tưởng này” – Bác sĩ Wynn Tran đánh giá.

Lệ Thu (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm