Bắc Giang “vượt mặt” các quy định về tuyển dụng viên chức?

(Dân trí) - Theo kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015 của tỉnh Bắc Giang thì tổng điểm xét tuyển của ứng viên lại xuất hiện thêm điểm ưu tiên. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, khi xét tuyển viên chức thì kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành nhưng Bắc Giang lại tổ chức bằng một bài trắc nghiệm.

Mục 3, Nghị định 29/2012/NĐ-CP  của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định rất chi tiết về việc xét tuyển viên chức. Theo đó, nội dung xét tuyển viên chức: Xét kết quả học tập bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển; Kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

 

Kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015 của tỉnh Bắc Giang
Kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015 của tỉnh Bắc Giang

 

Khoản 5 điều 12 của Nghị định cũng nêu rõ: Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn (hoặc thực hành). Toàn bộ Nghị định cũng như thông tư hướng dẫn thực hiện không có điểm nào đề cập đến việc cộng điểm ưu tiên vào kết quả xét tuyển.

Tuy nhiên, theo kế hoạch xét tuyển dụng giáo viên năm 2015, Bắc Giang đưa ra quy định được cộng điểm ưu tiên. Cụ thể, những người là con để của liệt sỹ, thương binh hạng 1, bệnh binh hạng 1 được cộng 20 điểm.

Đối tượng được cộng 10 điểm là  người có trình độ thạc sĩ; Những người là con đẻ của: thương binh, bệnh binh các hạng còn lại; người hướng chính sách như thương binh; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; Những người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (đã có quyết định trợ cấp thường xuyên); Người được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định học cử tuyển; Người hiện đang là giáo viên mầm non tại các trường công lập thuộc tỉnh Bắc Giang đã được Chủ tịch UBND huyện thành phố (hoặc ủy quyền) ký hợp đồng làm việc liên tục tại các trường mầm non công lập và tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 1/10/2012.

Trong khi đó tổng điểm xét tuyển được tính gồm: Điểm học tập tính hệ số 1, điểm tốt nghiệp tính hệ số 1, điểm kiểm tra sát hạch tính hệ số 2 và điểm ưu tiên.

Đặc biệt, việc kiểm tra, sát hạch của Bắc Giang không phải là phỏng vấn hay thực hành mà thay vào đó là một bài trắc nghiệm, nội dung kiến thức gồm: 20% kiến thức về quản lý nhà nước và 80% kiến thức về chuyên môn. Không biết với việc tổ chức thi trắc nghiệm như vậy thì việc đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển sẽ được thực hiện như thế nào?

Theo tìm hiểu của Dân trí, tình trạng nói trên cũng được Bắc Giang thực hiện trong việc tuyển dụng giáo viên năm 2014 nhưng không hiểu sao Bộ Nội vụ lại không biết và không có ý kiến về vụ việc này.

Nhằm làm rõ khúc mắc, phóng viên Dân trí đã liên hệ qua điện thoại với ông Bùi Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang. Tuy nhiên ông Sơn từ chối trả lời qua điện thoại và hẹn sẽ bố trí làm việc trực tiếp để giải thích rõ ràng.

Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phải vào cuộc xử lý hàng loạt sai phạm trong công tác tuyển dụng viên chức ở nhiều địa phương. Gần đây nhất là vụ việc hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị cắt hợp đồng. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các địa phương liên quan đến việc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc Bắc Giang đưa ra thông báo xét tuyển dụng giáo viên có nhiều điểm chưa thực hiện đúng với Nghị định 29/2012/NĐ-CP cần sự vào cuộc của Bộ Nội vụ để làm sáng tỏ và có hướng giải quyết trước khi việc xét tuyển diễn ra. 

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

S.H