Vụ “tố” Hội đồng tuyển dụng: Sở Nội vụ Hà Nội lên tiếng
(Dân trí) - Liên quan đến việc thí sinh bị trượt viên chức “oan ức”, Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định đã thực hiện đúng quy định của Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng của Sở cho rằng, Nghị định chỉ nói điểm luận văn, không đề cập đến điểm… đồ án tốt nghiệp.
Trao đổi với Dân trí, ông Hồ Vĩnh Thanh, Phó phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Theo Nghị định 29, điểm tốt nghiệp được tính bằng điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn. Điều này có nghĩa là, thi tốt nghiệp có bao nhiêu môn thì căn cứ vào bảng điểm để tính đúng theo quy định.
Về trường hợp của thí sinh T.M.P thì trong bảng điểm có mục điểm luận văn tốt nghiệp đúng với Nghị định 29 nên Sở Nội vụ hướng dẫn điểm tốt nghiệp chính là điểm luận văn. Sở làm việc trên cơ sở của Nghị định chứ không thể làm khác được. Trong bảng điểm của thí sinh T.M.P có điểm môn kinh tế chính trị tốt nghiệp (theo quy định của Bộ GD-ĐT đây là môn điều kiện để tốt nghiệp - PV) được đưa vào tính điểm học tập.
Cũng theo ông Thanh, Sở cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ thay đổi việc tính điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển nhưng không được chấp thuận. Hiện nay các bảng điểm của thí sinh đều được cơ sở đào tạo tính điểm trung bình trung học tập theo công thức tính quy định của Bộ GD-ĐT, Sở thấy việc tính theo công thức này sẽ hợp lý hơn.
Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí: Cơ sở đào tạo đã có giấy xác nhận thí sinh Nguyễn Mạnh Chiến thuộc diện được bảo vệ đồ án tốt nghiệp chứ không phải diện thi tốt nghiệp nên không thể áp dụng tính trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp?
Ông Thanh giải đáp: Huyện chỉ chuyển cho chúng tôi bảng điểm của thí sinh Chiến, do đó chúng tôi không quan tâm đến chuyện xác nhận khác của cơ sở đào tạo. Chúng tôi chỉ căn cứ vào bảng điểm để tính cho ứng viên.
“Sở không quan tâm đến cột thể hiện số đơn vị học trình bởi theo quy định chỉ là điểm trung bình cộng của các môn thi tốt nghiệp. Số tín chỉ hay đơn vị học trình là quy định của ngành giáo dục, còn chúng tôi làm tuyển dụng thì cứ theo Nghị định 29 mà thực hiện” – Phó phòng Đào tạo Sở Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh.
Tiếp tục làm rõ vấn đề, Dân trí đặt câu hỏi: Ứng viên có gửi văn bản của cơ sở đào tạo xác nhận là bảo vệ đồ án tốt nghiệp chứ không thi tốt nghiệp cho Sở Nội vụ hay không?
“Sau này chúng tôi có nhận được bản phô tô của thí sinh Chiến gửi, tuy nhiên Sở Nội vụ đã trả lời trước đó và đây là thẩm quyền của Hội đồng tuyển dụng nên Sở cũng không có ý kiến gì thêm. Trong Nghị định 29 không có đề cập đến “đồ án” mà chỉ nói “luận văn”. Không phải vì nhà trường xác nhận mà đến đây Sở lại thay đổi được cả Nghị định của Chính phủ” – ông Thanh bày tỏ.
Cũng theo ông Thanh, đối với các bảng điểm mà các môn thi Khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ghi là “Đạt” thì Sở bỏ không tính vào điểm tốt nghiệp bởi không có cơ sở để xác định.
Tuy nhiên, cùng chung một sự việc nhưng năm 2015 Sở Nội vụ Hà Nội lại có cách giải quyết hoàn toàn trái ngược so với năm 2014.
Trong năm 2014, ở kì thi tuyển viên chức giáo dục không ít ứng viên cũng bức xúc việc Hội đồng tuyển dụng đưa môn thi điều kiện để tính điểm tốt nghiệp dẫn đến bị trượt “oan ức”. Trước thực trạng đó, Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản yêu cầu: “Đối với bảng điểm kết quả học tập của thí sinh không tính được điểm học tập và điểm tốt nghiệp theo Quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Sở Nội vụ đề nghị Hội đồng tuyển dụng các quận huyện tạo điều kiện cho thí sinh được về trường để xác nhận điểm học tập, điểm tốt nghiệp hoặc xác nhận điểm quy đổi các môn học từ thang điểm 4 hoặc chữ sang thang điểm 10 đối với hệ đào tạo theo hệ thống tín chỉ”
Như vậy ở năm 2014, nếu cơ sở đào tạo xác nhận như trường hợp của thí sinh Nguyễn Mạnh Chiến thì Hội đồng tuyển dụng sẽ coi điểm đồ án tốt nghiệp chính là điểm tốt nghiệp trong xét tuyển viên chức.
Trao đổi với Dân trí, thí sinh Nguyễn Mạnh Chiến bày tỏ: Cách giải quyết của Sở Nội vụ Hà Nội là không đúng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Việc cứng nhắc áp dụng “câu chữ” gây khăn cho thí sinh là điều không thể chấp nhận được. Em đã có đơn tiếp tục kiến nghị lên Bộ Nội vụ để làm sáng tỏ vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, Bộ đã nhận được đơn kiến nghị của thí sinh Chiến, vụ việc đã được chuyển đến vụ Công chức – Viên chức xem xét giải quyết.
Được biết, hiện tại Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu để thời gian tới sửa đổi, bổ sung Nghị định 29 nhằm tránh những bất cập trong việc xét tuyển và thi tuyển viên chức.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ việc có diễn biến mới.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn )