Ba nữ sinh Tày thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm tại vùng quê nghèo khó

Lệ Thu

(Dân trí) - Dự án "Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình" của ba nữ sinh đến từ trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Startup Kite 2021.

Tại vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2021", dự án "Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình" của trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang được Ban Giám khảo đánh giá cao khi phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm, duy trì nét văn hóa của bà con dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần quảng bá, phát triển du lịch địa phương.

Ba nữ sinh người Tày Chẩu Thị Mai, Hỏa Thị Minh Thùy, Vi Thị Thùy Trang - Lớp Trung cấp Kế toán doanh nghiệp K17B của trường đã có phần thuyết trình dự án thuyết phục, với tính khả thi cao, dự án được tham gia vòng Gọi vốn (cùng 5 dự án khác) với thành phần Ban Giám khảo là các doanh nhân thuộc Câu lạc bộ Sao Đỏ.

Ba nữ sinh Tày thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm tại vùng quê nghèo khó - 1

Nhóm ba nữ sinh Chẩu Thị Mai, Hỏa Thị Minh Thùy, Vi Thị Thùy Trang giành giải Nhì Startup Kite 2021. (Ảnh: Lệ Thu)

Lớn lên ở Lâm Bình, một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Tuyên Quang, ba nữ sinh đã nảy  ra ý tưởng thành lập "Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình" nhằm hướng đến xây dựng, phát triển mô hình kinh doanh hợp tác xã dệt thổ cẩm, thông qua chuỗi liên kết giữa các cá nhân, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm thổ cẩm như quần, áo, mũ, chăn,… với thị trường tiêu thụ.

Nhóm hi vọng hợp tác xã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người yếu thế trên địa bàn huyện Lâm Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đồng thời, góp phần duy trì nghề thổ cẩm, qua đó gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống lâu đời của địa phương và lan tỏa nét đẹp đó đến với du khách trong và ngoài nước.

Em Chẩu Thị Mai, trưởng nhóm dự án cho hay, nhóm ấp ủ ý tưởng từ năm 2019. Nhóm bắt tay triển khai thực hiện từ đầu năm 2020. Vượt qua nhiều thử thách từ thiếu kinh nghiệm kinh doanh, tuổi đời quá trẻ, sự e dè của người dân và nhất là tài chính, nhóm đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ từ người dân mà còn từ chính quyền địa phương. 

Ba cô gái phải thường xuyên đến từng nhà vận động người dân cung cấp sản phẩm cho dự án. Ban đầu, người dân tỏ ra nghi ngại, e dè vì ít ai tin rằng những nữ sinh này có thể đem về một mô hình kinh doanh thu lại lợi nhuận tại vùng quê nghèo khó.

Với quyết tâm, sự nỗ lực nhiệt huyết, nhóm dần được địa phương tạo điều kiện để triển khai dự án này. Khi dự án "chạy", nhóm lại nhận được những sự góp ý, hỗ trợ, bổ sung kiến thức kỹ năng kinh doanh từ các thầy cô trong trường. Ba nữ sinh Tày dự định sẽ tiếp tục phát triển thêm ý tưởng để có thể mở rộng quy mô kinh doanh.

"Hiện tại nhóm chúng em đang thử nghiệm triển khai bán hàng qua các sàn thương mại điện tử", Chẩu Thị Mai chia sẻ.

Ba nữ sinh Tày thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm tại vùng quê nghèo khó - 2

Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao giải Nhì cho ý tưởng khởi nghiệp của 3 nữ sinh. (Ảnh: Lệ Thu)

Với thành tích của ba nữ sinh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen vì đã có thành tích, đóng góp tích cực trong hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm