Bà Mười của lũ trẻ “ba không”

(Dân trí) - Ở xóm lao động nghèo dưới chân cầu Tân Thuận, quận 7, TPHCM, bà Mười rất có uy. Bởi lẽ bà cụ ngoài 70 tuổi này chính là người mang con chữ đến cho lũ trẻ “ba không”: không nhà, không hộ khẩu, không khai sinh.

Xin gọi tên là “triết lý giáo dục” cho những quan điểm dạy chữ của người phụ nữ chân chất đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy này. Với bà Lữ Thị Lệ Nương, tên thật của bà Mười, trường sinh ra là để trẻ học, bất kỳ trẻ em nào cũng phải được đi học, không có đứa nào phải nghỉ học hết. Với ước nguyện duy nhất ấy, 11 năm qua bà lụi cụi đi gom lũ trẻ lang thang ở xóm ghe và xóm bóc củ hành, trẻ vé số, trẻ ăn xin về lớp học của bà.  

Bà Mười của lũ trẻ “ba không” - 1
Bà Mười và học trò ở xóm ghe trên dòng Kinh Tẻ.

Lớp học từ vỉa hè

Lớp học tình thương của bà Mười vừa có trụ sở mới ở Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây, quận 7. Chỗ học mới với lớp gạch lót nền cũ xí, cáu bẩn, trần nhà thì xập xệ nhưng có điện, có nước, có bàn ghế. Như vậy đã là quá tốt với lũ trẻ. Nhất là có cánh cửa để khóa lại, nhờ vậy mà để được cái bình nước, gắn được cái quạt treo tường. Sau khoảng 4-5 lần di chuyển địa điểm học, sĩ số của lớp học chỉ còn 50 em từ khối lớp 1 đến lớp 5. Với “ngôi trường” mới này, bà Mười khấp khởi mừng thầm là lũ nhỏ sẽ đi học đông trở lại.  

Năm 1999, lớp học bắt  đầu nhen nhóm từ… vỉa hè. Đó là khi bà Mười thấy các em nhỏ học ngoài đường phố với những giáo viên trong Dự án tương lai. Thương lũ nhỏ, bà đứng ra lo liệu về chỗ học, về giáo viên. Năm lần bảy lượt, lớp học phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác vì trẻ lang thang quậy quá, không nơi nào chịu thấu.

Lớp học lại dọn vào một cái kho bỏ hoang của công ty may. Lũ trẻ tha hồ quậy nhưng lại bị muỗi chích, không có điện nên tối mò mò. Học trò cứ vắng hết đứa này tới đứa khác vì bị sốt xuất huyết. Đến khi tưởng chừng chịu không nổi nữa thì phường thương tình cho về chỗ trung tâm học tập cộng đồng hiện nay.

Bà Mười của lũ trẻ “ba không” - 2
Các em nhỏ miệt mài học tập trong lớp học tình thương.

Trường sinh ra là cho trẻ học

Bao nhiêu lần đổi chỗ học là bấy nhiêu lần bà Mười tất bật xuôi ngược nhờ cậy tìm được một chốn trú chân cho lớp học. Nhưng không khi nào bà có ý bỏ lớp học. Bà nói: “Tui sẽ duy trì lớp học cho đến khi không còn đứa nào. Còn sống thì còn lo cho tụi nó hoài hoài. Lỡ có mất đi thì đành chịu, đành để cho ai đó lo được thì lo”. Có lần, cu Tý đánh bạn nên bị cô giáo đuổi học. Bà Mười đã rầy cô: “Trường sinh ra là để trẻ học. Đuổi nó về thì nó biết học ở đâu nữa”.  

Lúc còn trẻ khỏe, hầu như ngày nào bà Mười cũng ra lớp học để xem lũ nhỏ học hành thế nào. Đi ngoài  đường, hễ nhìn thấy đứa nhỏ nào cúp cua là bà Mười hỏi ngay tại sao nghỉ học. Nếu bố mẹ muốn con ở nhà phụ gia đình thì bà tới tận nơi, kiểu gì cũng phải cho lũ nhỏ đi học. Có học trò đi học xa quá, bà mua luôn vé xe buýt cho các em. Là lớp học tình thương nhưng cũng là lớp phổ cập nên khi nào đủ điều kiện kinh tế hoặc có giấy tờ, lũ trẻ có thể sang học bên Trường tiểu học Phù Đổng.  

Bà Mười của lũ trẻ “ba không” - 3
Bà Mười vẫn hay tới lớp học để xem bài vở lũ nhỏ.

Hầu hết bọn trẻ  sinh ra ở cái xóm ghe trên dòng Kinh Tẻ đều không có khai sinh, cũng không có hộ khẩu. Bà Mười cứ trăn trở vì nếu không có giấy tờ, sau này tụi nhỏ không thể vào trường công lập. Vậy là dù không phải là cha mẹ, bà Mười đích thân lên phường, lên quận xin làm giấy khai sinh cho lũ nhỏ. Trong lớp học bà Mười, hiện nay có em đã lên được tới lớp 11 ở trường công lập. Lo cho lũ nhỏ còn hơn cả người nhà, bà Mười đang vận động một trung tâm dạy nghề về mở lớp miễn phí cạnh lớp học tình thương để học trò khi học hết lớp 5 có điều kiện học nghề. Bởi ở khu vực này, sẩy chân ra ngoài đường là không biết bao nhiêu tệ nạn.  

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà Mười có những tư duy rất  thực tế: phải có giáo viên dạy thường xuyên thì lớp học mới ổn định. Dù là các thầy cô dạy tình nguyện nhưng phải có trợ cấp thì thầy cô mới yên tâm cho việc dạy được. Bởi vậy, bà Mười tự mình bỏ tiền túi ra trợ cấp cho mỗi giáo viên người 200 ngàn đồng/tháng. Sau đó, khi có những nhà hảo tâm hỗ trợ thêm thì hiện nay mỗi giáo viên cũng được 500-700 ngàn đồng/tháng. Nhưng bà Mười dù tuổi cao sức yếu vẫn chưa hết lo bởi nguồn tài trợ thì sắp hết. Lũ nhỏ không thể một ngày không đi học… 
 
 

Mọi đóng góp để duy trì lớp học tình thương bà Mười xin liên hệ:

1. Bà Mười, 8G, cư xá Ngân hàng, đường Lâm Văn Bền, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM. Điện thoại: 083. 8720.787

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí  

Số 2/48 Giảng Võ,  Đống Đa, Hà Nội (cạnh cây xăng Kim Mã)

Điện thoại: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn 

* Tài khoản VNĐ: 

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí 

Số TK: 10 201 0000 220 639 

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm 

* Tài khoản USD: 

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí 

Số TK : 10 202 0000 004346 

SWIFT Code: ICBVVNVX106 

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội 

3. Văn phòng đại diện của báo: 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 

VP TPHCM: 40/17/16 Nguyễn Văn  Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý  Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 

Bài và ảnh: Hiếu Hiền