Atlat địa lý Việt Nam: Càng tái bản càng sai

Cuốn sách này tái bản lần thứ 8 vào năm 2004, một năm sau nó lại được tái bản. Song rất nhiều số liệu mới được công bố ở lần trước đã được thay đổi khác hoàn toàn. Nhiều ký hiệu, biểu đồ được sử dụng tùy tiện. Thậm chí theo bản đồ du lịch thì Hà Nội, Huế không hề có di tích lịch sử.

Cuốn “Atlat địa lý Việt Nam” - tài liệu sử dụng trong các trường phổ thông - được xuất bản lần đầu vào năm 1992. Đến năm 2004, Công ty Bản đồ - Tranh ảnh giáo khoa tiến hành chỉnh lý lần đầu và tái bản lần thứ 8. Đến tháng 6/2005, cuốn sách được tái bản lần thứ 9

 

Ông Trần Trọng Hà, uỷ viên Hội đồng Thẩm định SGK mới môn Địa lý cho biết, cuốn sách có hơn 30 số liệu của năm 2000 vừa công bố trong lần tái bản thứ 8 bị “chữa” lại. Điển hình như phần diện tích cây công nghiệp, dân cư, phân loại giá trị sản xuất công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp. Các số liệu về sản lượng dầu, giá trị sản xuất luyện kim, ciá trị sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm… làm quá ẩu; Bản đồ kinh tế cũng có vấn đề. Đặc biệt trong 4 biểu đồ kinh tế năm 2000 vừa công bố đã phải bổ sung thêm khoảng 60 chi tiết mới.

 

“Atlat địa lý Việt Nam” là tài liệu học tập của học sinh. Trong các kỳ thi tốt nghiệp có môn địa lý, đây là tài liệu được phép mang vào phòng thi, học sinh sẽ dựa vào đó để làm bài. Có cuốn sách này trong tay, học sinh gần như không phải học số liệu, cây, con, nhà máy… Cuốn sách này có thể dùng tối thiểu trong 2 năm, lớp 7 dùng phần tự nhiên, lớp 9 dùng phần kinh tế. Về giá trị pháp lý, đây được xem như một cuốn sách giáo khoa (SGK) vì là tư liệu của Nhà nước.  

Trong bản đồ thương mại, 2 bản đồ cơ cấu cũng chỉnh sửa lại số liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa; diện tích cây công nghiệp năm 1990 được sửa lại nhiều lần nhưng trong phần tái bản lần 9 lại quay lại số liệu lần 7; Biểu đồ khí hậu lần 8 thêm biểu đồ Quy Nhơn, bỏ Nha Trang, Đà Lạt so với lần 7, lần thứ 9 lại bỏ Quy Nhơn và thêm Nha Trang, Đà Lạt; lần thứ 9 trong phần phân loại nhóm công nghiệp lương thực thực phẩm chỉ giới hạn là đồ uống, thực phẩm (thuốc lá, thuốc lào), công nghiệp xay xát không được xếp vào; Sông Đồng Nai biến thành dòng sông chết khi bị ngắt mất một đoạn; sai về cách thể hiện ký hiệu 2 Trung tâm nhiệt điện ở Vũng Tàu...

 

Lần 8 vừa đưa khai thác than đá ở Điện Biên Phủ vào, lần 9 xóa luôn; riêng bản đồ du lịch đưa vào ở lần 8 thì đến lần 9 đã phải bổ sung thêm 18 chi tiết vì sai nghiêm trọng, nếu theo bản đồ này thì Hà Nội, Huế, Đà Nẵng không có di tích lịch sử nào. Khi vẽ bản đồ thu khung là để thể hiện toàn vẹn lãnh thổ, ở bản đồ địa chất có thể hiện hai mỏ khoáng sản là Lan Đỏ và Lan Tây nhưng ở bản đồ công nghiệp không đưa vào khai thác; trang 17 có thể hiện 2 mỏ này nhưng lại không có kinh tuyến, vĩ tuyến, dẫn đến không có giá trị pháp lý.

 

Nếu căn cứ vào cuốn sách này thì hàng loạt các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Bình Phước không có điểm công nghiệp; các miền tự nhiên (trang 9, 10) chỉ thể hiện yếu tố địa hình, không có đất đai, thực động vật... Theo ông Hà, xét về mặt chuyên môn, chỉ riêng vấn đề bỏ sót chủ quyền hai mỏ đang khai thác đã đáng để thu hồi sách về rồi. Trên thực tế, trong lần sách tái bản thứ 8, một năm đã có tới... 3 phiên bản, có những số liệu mỗi bản một kiểu: phần khí hậu lần 1, lần 2 không có phân hóa lượng mưa trong mùa khô và mùa mưa, nhưng trong cả năm lại có.

 

NXB: Sai sót không đáng kể

 

Theo ông Thành Ngọc Linh - Trưởng phòng Kỹ thuật Khoa học Bản đồ - Công ty Bản đồ và Tranh ảnh giáo khoa (thuộc NXB Giáo dục), đơn vị trực tiếp tổ chức biên soạn và soạn thảo cuốn sách , toàn bộ số liệu được công bố trong "Atlat Địa lý Việt Nam" chủ yếu lấy từ Niên giám Thống kê và Viện Khoa học Thống kê (Tổng cục Thống kê), chỉ một ít số liệu không có trong niên giám mới lấy từ các nguồn khác. Số liệu từ nguồn này, cùng thống kê một năm nhưng cũng mỗi năm một khác. Các bản đồ trong sách này cũng căn cứ vào Atlat quốc gia Việt Nam, khi xây dựng đã trình Ban Biên giới của Bộ Ngoại giao. Bản đồ chuyên đề có quyền bỏ khung, vì thế trong bản đồ địa chất khoáng sản, bản đồ công nghiệp chung không có hai mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây cũng không sai, vì trong bản đồ công nghiệp năng lượng đã có hai mỏ này. Sông Đồng Nai bị biến thành dòng sông chết khi không đổ vào hồ Trị An vì biên tập... nhầm, đường ranh giới vùng đậm hơn đã chèn lên dòng sông. Bản đồ du lịch bổ sung thêm 18 chi tiết so với lần 8 (lần 8 bỏ sót nhiều di tích lịch sử) vì trong cùng một ô rất nhỏ không thể hiện được tất cả. Nhưng lần 9 vì "sắp xếp" được nên đưa vào. Chỗ nào góp ý đúng mà đưa vào được thì sẽ đưa vào cho phong phú tài liệu.

 

Trên thực tế, ở cả bản đồ địa chất khoáng sản và công nghiệp chung dù không có hai mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây nhưng lại có mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình). Nhưng ở bản đồ thu khung, có mỏ khí Lan Đỏ, Lan Tây lại không có mỏ khí Tiền Hải.

 

Ông Trần Trọng Hà cho biết, không phải bây giờ cuốn Atlat địa lý mới có sai sót mà ngay lần tái bản thứ 8 cũng đã có vô khối hạn sạn. Khi duyệt maket cho cuốn này, ông đã đề nghị phải làm lại nhiều trang mới có thể sử dụng được. Số sạn ông liệt kê ra dài tận 7 trang giấy A4, nhưng chỉ một phần trong số lỗi này được sửa lại. Và dù không sửa theo góp ý của ông, nhưng tên ông vẫn được đưa vào nhóm biên tập, soạn thảo cuốn sách. PGS.TS Nguyễn Trần Cầu cũng rơi vào trường hợp này. Đến lần tái bản thứ 9 không ai "nhờ" ông Hà nhặt sạn hộ nữa và khi chỉnh sửa, cuốn sách này cũng không đưa qua Hội đồng khoa học Bản đồ.

 

Ông Thành Ngọc Linh thừa nhận: "Năm 2004, Công ty không định tái bản cuốn này vì biết đến 2005 học sinh sẽ sử dụng theo chương trình SGK mới, nhưng vì năm ngoái có thi tốt nghiệp môn Địa lý nên phải... làm gấp để phục vụ học sinh. Chính vì thế có những sai sót không tránh khỏi". Tuy nhiên, ông Linh cho rằng cuốn Atlat tái bản lần 9 không có sai sót, chỉ có một số lỗi nhỏ bị nhầm do biên tập. Chính vì thế, nếu ai đó so sánh giữa cuốn tái bản lần 8 và lần 9 sẽ thấy nhiều điểm khác biệt là đương nhiên. "Số liệu có lệch nhau cũng không sao, vì không mấy khi giáo viên, học sinh dùng số liệu trong Atlat mà sẽ căn cứ vào số liệu trong SGK", ông Linh nói.

 

Chấp nhận cả hai đáp án

 

Nhiều giáo viên phản ánh rằng việc vênh nhau giữa Atlat và sách giáo khoa khiến họ gặp khó khăn cho giảng dạy. Cô Phạm Thị Anh Minh, trường THCS Chu Văn An Hà Nội, cho biết tư liệu trong hai cuốn Atlat khác nhau, thày và trò vẫn buộc phải chấp nhận. Học sinh không có điều kiện để năm nay mua quyển này, sang năm lại bỏ đi mua quyển khác. Chính vì vậy, các em có thể dùng cả hai cuốn. Khi chấm điểm bài tập, bài kiểm tra cho các em, giáo viên chấp nhận cả hai đáp án với điều kiện học sinh trích dẫn đầy đủ nguồn lấy từ Atlat trang bao nhiêu tái bản lần nào.

 

Ông Lê Quang Việt, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho rằng, cùng là số liệu của năm cũ mà khác nhau thì vô lý, vì đều là sách chính thống của NXB Giáo dục. Nếu giáo viên thấy số liệu sai cũng không bao giờ dám sửa, mà chỉ thông báo lên trên.

 

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây: "Atlat địa lý Việt Nam vừa là nguồn tri thức vừa là phương tiện quan trọng trong giảng dạy và học tập môn địa lý ở trường phổ thông. Mặc dù chỉ là tài liệu giáo khoa phổ thông, nhưng không vì thế mà tính khoa học bị xem nhẹ một cách quá mức như vậy".

 

Theo Trịnh Vũ
VneExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm