Áp lực SV năm cuối (kỳ 3): "Cày" bằng giỏi hay luyện kỹ năng mềm?

CTV

(Dân trí) - Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến khả năng làm việc thực tế và các kỹ năng mềm khác thay vì chỉ xét đến kết quả học tập, bằng cấp.

Trước đây, bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc thường được coi là một "tấm vé thông hành" giúp các ứng viên dễ dàng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, nhiều sinh viên không ngừng cố gắng để có thể đạt được kết quả học tập tốt nhất với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên.

"Mình mong muốn ra trường với tấm bằng giỏi vì điều đó giúp mình tạo lợi thế khi xin việc, đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực và cố gắng suốt thời gian qua của bản thân", Trà Giang, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chia sẻ.

Áp lực SV năm cuối (kỳ 3): Cày bằng giỏi hay luyện kỹ năng mềm? - 1

Trong khi bằng giỏi có thể là bước đệm để lọt vào vòng phỏng vấn, thì chính kinh nghiệm thực tế, thái độ và những kỹ năng mềm mới giúp sinh viên mới ra trường bền vững trong công việc (Ảnh: AI).

Tốt nghiệp với bằng giỏi chắc chắn là một thành tích đáng tự hào và mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là trong những ngành nghề chuyên biệt, yêu cầu kiến thức chuyên môn cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thị trường lao động đang dần có sự dịch chuyển và bằng giỏi không còn là ưu tiên hàng đầu, mang tính quyết định trong tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Lê Thị Thắm (SN 2002, cựu sinh viên của Học viện Ngân hàng) cho biết: "Mình từng cho rằng tốt nghiệp với tấm bằng giỏi sẽ mang lại lợi thế khi xin việc và bản thân luôn cố gắng gạt bỏ thời gian vui chơi, mua sắm, phim ảnh, để đạt được điểm số tốt nhất trong học tập".

"Mặc dù tấm bằng giỏi đã giúp mình qua được vòng xét tuyển hồ sơ của nhà tuyển dụng, nhưng mình lại chật vật trong thời gian thử việc.

Các công ty mình ứng tuyển đều đòi hỏi ứng viên phải có ít nhiều kinh nghiệm thực tế và một số kỹ năng mềm cần thiết, nhưng mình gần như không đáp ứng được", chị Thắm chia sẻ thêm.

Áp lực SV năm cuối (kỳ 3): Cày bằng giỏi hay luyện kỹ năng mềm? - 2

Ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên mới ra trường có được công việc thuận lợi. Trong ảnh: Các sinh viên tốt nghiệp ĐH Luật TPHCM năm 2024 (Ảnh: An Nguyễn).

Tương tự trường hợp chị Thắm, từng tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng anh Trần Văn Duy (24 tuổi, sống tại Hà Nội) vẫn đang chật vật tìm kiếm công việc theo chuyên ngành mình được đào tạo.

Anh Duy cho biết: "Tôi tưởng mình dễ dàng tìm được việc với tấm bằng hạng ưu và còn nghĩ mình xứng đáng với mức lương cao hơn mặt bằng chung so với sinh viên mới ra trường thời điểm đó.

Tuy nhiên trong tình hình sau Covid-19, nhiều công ty tiết kiệm chi phí, yêu cầu ứng viên đáp ứng ngay được công việc, thậm chí làm được nhiều việc cùng lúc, tôi thực sự không theo được.

Việc tích góp điểm cao ở giảng đường dường như khiến tôi chỉ quen làm bài tập, sách vở, nhưng tôi lại không biết nên bắt đầu từ đâu dù công ty mới yêu cầu những việc khá cơ bản trong quy trình dự án của đơn vị.

Hiện nay, tôi chấp nhận làm bán thời gian đồng thời học tiếp một số chứng chỉ nghề để có kinh nghiệm và mở rộng quan hệ trước khi nghĩ tới việc nộp hồ sơ xin việc mới".

Nhà tuyển dụng chờ đợi điều gì ở sinh viên sắp ra trường?

Trong môi trường làm việc hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên mới ra trường có thể tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng.

Áp lực SV năm cuối (kỳ 3): Cày bằng giỏi hay luyện kỹ năng mềm? - 3

Một sự kết hợp cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng sẽ là lợi thế cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường lao động (Ảnh: AI).

Chị Vũ Linh Chi, Trưởng phòng Hành chính nhân sự của một công ty hơn 500 nhân sự, cho biết: "Bằng giỏi chỉ là khởi đầu - kỹ năng mới là chìa khóa. Bằng cấp chỉ là ưu điểm, không phải là ưu tiên".

"Thực tế, khi các công ty ngày càng chú trọng đến hiệu quả công việc và sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm hay khả năng giải quyết vấn đề trở thành những yếu tố quan trọng không kém.

Hơn nữa, khả năng học hỏi và thích ứng nhanh với môi trường làm việc thực tế đang trở thành một yêu cầu bắt buộc. Trong khi bằng giỏi có thể là bước đệm để lọt vào vòng phỏng vấn, thì chính kinh nghiệm thực tế và những kỹ năng mềm mới giúp bạn bền vững trong công việc", chị Chi trao đổi thêm.

Kinh nghiệm thực tế được xem là "bệ phóng" vững chắc, giúp sinh viên vượt mặt các ứng viên khác trong cuộc đua việc làm. Những cơ hội thực tập, tham gia dự án liên quan đến ngành học không chỉ giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, mà còn là dịp để họ thể hiện năng lực và xây dựng mạng lưới quan hệ.

"Vừa phấn đấu đạt kết quả học tập tốt, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế qua các kỳ thực tập, hoạt động ngoại khóa, qua đó sinh viên sẽ có cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc.

Một sự kết hợp cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng sẽ là lợi thế cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường lao động", chị Linh Chi gợi mở cách rèn luyện và phát triển hiệu quả dành cho các bạn sinh viên.

Tuyết Mai