Áp lực SV năm cuối (kỳ 2): Đổ xô săn chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ xin việc
(Dân trí) - Nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đổ xô săn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm với hy vọng làm đẹp CV, tăng cơ hội việc làm. Nhưng liệu điều này có thực sự cần thiết?
Áp lực "CV đẹp" - Sinh viên đang tự làm khổ mình?
Chứng chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuyên môn, mở rộng cơ hội việc làm và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhiều nhà tuyển dụng coi chứng chỉ là bằng chứng cho năng lực của ứng viên, thậm chí một số ngành nghề còn yêu cầu chứng chỉ bắt buộc như ngoại ngữ, tin học hay chuyên môn kỹ thuật.
Lan Anh, sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin, chia sẻ: "Nhờ có chứng chỉ lập trình và phân tích dữ liệu, em đã vượt qua vòng phỏng vấn thực tập tại một công ty công nghệ.
Khi bắt đầu công việc, em nhận ra những kiến thức từ khóa học trước đây giúp em nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc, hiểu rõ yêu cầu của dự án và giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp".

Sinh viên căng thẳng trong cuộc đua "sưu tập" chứng chỉ (Ảnh minh họa: AI)
Không chỉ riêng Lan Anh, nhiều sinh viên cũng cho rằng chứng chỉ không chỉ giúp họ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn là hành trang quan trọng để bắt nhịp nhanh hơn với công việc thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những sinh viên chạy đua thi chứng chỉ theo phong trào. Thay vì tập trung vào những chứng chỉ thực sự cần thiết, nhiều sinh viên lại chạy theo các chứng chỉ không liên quan đến ngành nghề hoặc định hướng tương lai, mà chỉ với mục đích làm đẹp CV.
Minh Tú (sinh viên năm ba ngành Công nghệ thực phẩm) chia sẻ: "Thấy bạn bè trong khu trọ rủ đăng ký theo nhóm được giảm giá 30%, em cũng nộp tiền học chứng chỉ quản trị nhân sự và tin học văn phòng. Lúc đăng ký rồi em mới thấy nội dung không phù hợp lắm với định hướng công việc cá nhân, nhưng vì đã mất tiền nên em cố tham gia cho đủ, thi cho có chứng chỉ".
Giống như Minh Tú, không ít sinh viên cũng mắc kẹt trong những khóa học không phù hợp, tốn thời gian và công sức mà không mang lại lợi ích thực sự cho công việc sau này.
Không chỉ vậy, một số sinh viên còn chạy theo số lượng chứng chỉ mà không quan tâm đến chất lượng. Chưa kể không ít khóa học cấp chứng chỉ hiện nay chỉ tập trung vào mẹo làm bài thi, giúp học viên đạt điểm cao, có được chứng chỉ thay vì đào tạo, rèn luyện kỹ năng thực tế.
Chẳng hạn, Bảo An (sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật điện) cho biết: "Em có gần 10 chứng chỉ, từ kỹ năng giao tiếp, tin học văn phòng, tư duy sáng tạo cho đến chứng chỉ quản lý dự án và phân tích dữ liệu cơ bản. Bạn bè bảo có nhiều chứng chỉ thì CV đẹp hơn nên em đăng ký học hết.
Nhưng khi đi phỏng vấn xin việc, em nhận ra những chứng chỉ đó không giúp ích nhiều cho công việc. Anh tuyển dụng đưa ra tình huống thực tế liên quan chứng chỉ của em, em không thể trả lời chính xác bởi nhiều nội dung em học ít ứng dụng vào ngành mà em ứng tuyển. Kết quả tuyển dụng thì rõ rồi".
Việc đua nhau thi chứng chỉ không chỉ tốn thời gian mà còn là một khoản đầu tư tài chính không nhỏ. Mỗi khóa học thường kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, tốn từ tiền trăm tiền triệu hoặc còn nhiều hơn.
Nhà tuyển dụng thực sự cần gì?
Theo một báo cáo tổng kết về xu hướng tuyển dụng năm 2024 của Talentnet, ngoại trừ một số ngành đặc thù, các doanh nghiệp đang chuyển hướng tập trung từ bằng cấp sang kỹ năng thực tiễn của ứng viên. Xu hướng này phản ánh nhu cầu tuyển dụng những nhân sự có khả năng đáp ứng ngay yêu cầu công việc, giảm thiểu thời gian và chi phí đào tạo.

Anh Nguyễn Đức Duy, chuyên viên tuyển dụng tại một công ty truyền thông, chia sẻ: "Chúng tôi không quan trọng bạn có bao nhiêu chứng chỉ, mà là bạn có thể làm được gì. Một người có kinh nghiệm thực tập thực tế, có kỹ năng làm việc nhóm, khả năng xử lý tình huống tốt luôn được đánh giá cao hơn một ứng viên chỉ có CV đẹp".
Một số công ty thậm chí còn bỏ qua vòng xét duyệt CV truyền thống, thay vào đó yêu cầu ứng viên làm bài test thực tế hoặc thử việc ngắn hạn để đánh giá năng lực.
Bên cạnh đó, không chỉ trong ngành sáng tạo, ngay cả những lĩnh vực như kinh doanh, marketing hay lập trình cũng bắt đầu đánh giá cao hồ sơ năng lực (portfolio) - bộ hồ sơ các sản phẩm hoặc dự án đã thực hiện.
Thay vì chỉ liệt kê chứng chỉ, sinh viên có thể tạo hồ sơ năng lực bằng cách ghi lại những dự án mình từng tham gia, từ bài viết, thiết kế, chiến dịch marketing cho đến báo cáo phân tích số liệu.
Những sản phẩm này không chỉ thể hiện năng lực thực tế mà còn giúp ứng viên nổi bật giữa hàng trăm CV giống nhau. Điều này cho thấy xu hướng tuyển dụng đang dần thay đổi, tập trung vào năng lực thực sự thay vì những chứng chỉ mang tính hình thức.
Chứng chỉ thực sự hữu ích - Chọn đúng thay vì số lượng
Theo anh Duy, các sinh viên nên cân nhắc lựa chọn đúng chứng chỉ với chuyên ngành chứ không chạy theo phong trào. Anh cũng gợi ý rằng các chứng chỉ tin học và công nghệ như MOS, IC3 hay Google IT Support cũng giúp sinh viên làm quen với công cụ làm việc hiện đại.
Đối với những ngành nghề đặc thù như tài chính, kế toán hay marketing số, những chứng chỉ chuyên môn như CFA, ACCA, PMP hay Google Digital Marketing có thể giúp khẳng định năng lực.
Ngoài ra anh cũng khuyến khích sinh viên nên xác định các khóa học kỹ năng mềm phù hợp với bản thân, có thể áp dụng trong công việc, đặc biệt mang tính ứng dụng cao.
"Thay vì học lý thuyết suông, các bạn có thể tham gia những khóa học thực tế về giao tiếp ứng dụng, thuyết trình chuyên nghiệp hay đào tạo nhân sự, bán hàng. Những kỹ năng này không chỉ giúp bạn nổi bật hơn khi phỏng vấn mà còn giúp ích cho công việc sau này.
Chứng chỉ có thể là điểm cộng, nhưng không đảm bảo một công việc tốt nếu thiếu đi kỹ năng thực tế. Nhà tuyển dụng ngày càng ưu tiên những ứng viên biết áp dụng kiến thức vào công việc hơn là chỉ sở hữu nhiều chứng chỉ, kỹ năng.
Vì vậy, thay vì chạy theo số lượng, sinh viên nên chọn lọc những chứng chỉ thực sự cần thiết, đồng thời trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thực tế để tạo lợi thế bền vững trên thị trường lao động", anh Duy khẳng định.
Mai Phương