Anh chàng trợ giảng

Ngay từ năm thứ hai đại học, Âu Vĩnh Chương (sinh năm 1993, khoa Kinh tế Đối ngoại, K50, trường ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM) đã trở thành trợ giảng, luyện IELTS cho một trung tâm Anh ngữ. Năm nay, vừa tốt nghiệp, trong khi bạn bè cầm đơn đi xin việc, Chương đã ký hợp đồng làm việc chính thức nơi mình thực tập 3 năm.

Câu chuyện lựa chọn nơi làm việc dung hòa nhiều yếu tố: Thực tập học hỏi, kiếm được thu nhập và có chỗ làm ngay khi ra trường của Chương là một tham khảo thú vị cho các bạn sinh viên.

Vừa kiếm tiền, vừa học hỏi

Thời phổ thông, Chương là thành viên đội tuyển Anh văn, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP. HCM. Khi chọn nghề, Chương từng nghĩ đến ngành Sư phạm Anh. Nhưng rốt cuộc, anh bạn đã chọn ngành Kinh tế Đối ngoại để theo học.

Vào đại học, đa số bạn bè chọn đi dạy kèm để kiếm thu nhập, còn Chương nghĩ khác: “Mình thấy bạn bè mất việc do học sinh nghỉ Hè. Nhiều học sinh ỷ lại vào gia đình, coi thường giáo viên. Gia đình cho giáo viên nghỉ việc không rõ lý do. Phần lớn các lớp dạy đều phải đóng tiền qua trung tâm. Nhiều bạn mất tiền oan”. Vậy là anh chàng quyết định tìm việc ở trung tâm Anh ngữ.


Âu Vĩnh Chương

Âu Vĩnh Chương

Nhờ năng lực tiếng Anh, Chương được giám đốc một trung tâm nhận làm trợ giảng khi còn là sinh viên năm thứ hai. Chương nói: “Đó là một trải nghiệm hay, khi mình có thể kiếm được vài triệu đồng/tháng, lại học được kinh nghiệm trong một môi trường công việc được tổ chức bài bản.

Mình kèm cho các học viên luyện thi chứng chỉ IELTS, đủ mọi lứa tuổi. Ngay chuyện lựa chọn thể hiện tác phong nghiêm ngắn hay có sự khiêm nhường của một sinh viên cũng là một kinh nghiệm tốt.

Hơn hết, mình bắt đầu thích ngành Sư phạm vì hiểu rằng, ở môi trường này, mình không bị gò bó. Giáo viên và học viên không có khoảng cách. Mình được tiếp xúc nhiều học viên ở nhiều nghề nghiệp khác nhau, tạo được nhiều mối quan hệ.”

Theo Vĩnh Chương, việc chọn nghề làm thêm từ thời sinh viên nên xác định nhiều yếu tố cân bằng giữa: Kiếm tiền, khả năng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, khả năng mở rộng mối quan hệ. “Mình xác định, khi chưa có kinh nghiệm thì tìm môi trường có thể học hỏi và mở mang mối quan hệ là yếu tố quan trọng đầu tiên. Tiền cũng quan trọng. Nhưng ít tiền hơn một chút cũng chẳng sao”, anh bạn chia sẻ.

Góc nhìn về học Anh văn

Chương chia sẻ: “Mình khá “mát tay” với các lớp luyện IELTS cho thiếu nhi. Mình là nơi các em có thể giãi bày như người thân. Từ đó, mình chia sẻ cho các em nhiều kiến thức. Các em tiếp thu nhanh hơn. Có bé học viên của mình học lớp 7, thi IELTS được 7.0. Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 10 em đạt được kết quả này. Có cả một em lớp 5 đạt 8.0 và một em khác học lớp 10 thi đạt 7.0″.

Gần đây, Chương luyện thi ngắn hạn cho một số học viên lớn tuổi. Chương chia sẻ: “Học viên mới nhất của mình là một họa sĩ minh họa có tiếng. Cô muốn đi du học và cần gấp chứng chỉ IELTS. Trong thời gian ngắn, cô đã đạt được chứng chỉ để thực hiện giấc mơ du học.

Mình nhận ra, nhiều người trong quá khứ không quan trọng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kiến thức và kỹ năng nghe – nói – đọc – viết không đảm bảo. Sau một thời gian đi làm, khi có cơ hội bất ngờ, kèm yêu cầu chứng chỉ Anh ngữ, họ thường gấp rút luyện thi nhưng không chắc là kịp.

Nhiều người quan niệm, học tiếng Anh chỉ để giao tiếp, không cần chứng chỉ. Mình cho rằng, đó là sự mơ hồ trong mục tiêu. Việc học tiếng Anh cần đạt được trình độ nhất định, được bảo chứng, như thế, sẽ hỗ trợ cho công việc chuyên ngành sau này”.

Âu Vĩnh Chương tham gia nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm trong trường, tổ chức nhiều sự kiện tại trường ĐH Ngoại thương (Cơ sở 2). Ngoài ra, Chương còn tham gia CLB Tình nguyện viên quốc tế IVC, ở TP. HCM. Hằng ngày, anh bạn đến trường bằng xe đạp. Đây là cách anh bạn tiết kiệm chi phí và rèn sức khỏe.

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam