“Ăn đói để cho con ăn no, đủ sức đi thi”
(Dân trí) - Đó là tâm sự của ông K’linh, 43 tuổi, có 2 con đang học ĐH, CĐ. Đợt này ông đang đưa cô con gái thứ 3 là K’rểu thi tại điểm trường THPT Nguyễn Hiền vào ngành Văn học, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Gia đình ông K’linh (ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) là một trong số ít những gia đình dân tộc KơHo có con cái đi học đại học
Ông cho biết: "Vợ tôi không biết chữ, còn tôi thì học lên lớp 6 thì nghỉ học. Chính vì không có con chữ nhiều nên đời tôi khổ. Gia đình tôi mới thoát nghèo từ 3 năm nay". Ông nhớ lại: “Trước đây khổ lắm, cuộc sống thiếu thốn cơm không đủ ăn, đến mùa giáp hạt toàn ăn sắn, ngô độn. Nhưng đổi lại, con cái tôi đứa nào cũng học tốt cả.
Hiện giờ nhà tôi có 8 sào cà phê, 4 sào ruộng. Để có tiền đưa con gái đi thi, vợ chồng tôi phải chắt bóp, bán cà phê, ngô sắn đi để cho con đi thi. Bố con tôi trọ gần điểm thi, một ngày 20.000 đồng/người, cơm 15.000 đồng/suất ăn. Đối với người nông thôn như tôi ăn không đủ no. Nhưng biết làm sao, tiền tôi mang xuống đây không nhiều chỉ để đủ cho con ăn no đi thi mà thôi. Miễn là con gái tôi ăn no đủ sức khỏe đi thi".
Nhắc tới cô con gái đầu K’rền, đang học năm 2 khoa Ngữ Văn Trường ĐH Đà Lạt, ông tự hào nói: “Nó là đứa đầu tiên của thôn bản đi học đại học. Nó học giỏi lắm. 12 năm học toàn khá, giỏi thôi”.
Người con thứ 2 của ông là K’lểu, đang học trường CĐ Nghề Đà Lạt. Ông cho biết: “Nó ngoan và chịu khó lắm, vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ở nhà, nó hay đi nương rẫy phụ bố mẹ”.
Cô con gái K’rểu đang thi vào trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng thì học lực trung bình nhưng ông tự tin con sẽ đỗ đại học. "Buổi sáng, nó bảo làm bài thi tốt, được 70%. Mẹ nó ở nhà cứ gọi điện hỏi tôi không biết con gái có làm bài thi tốt không và nhớ nhắc con phải giữ sức khỏe đi thi tốt".
Chia tay, ông K’linh tâm sự: “Nếu con gái tôi đỗ đại học, chắc tôi phải ra Đà Nẵng làm thêm để nuôi 3 đứa con ăn học. Miễn là chúng có được con chữ, không khổ như chúng tôi”.
Nguyễn Tuấn