Ai cũng có thể được biên soạn sách giáo khoa?

Theo đề án đổi mới, ngoài Bộ GD-ĐT thì các tổ chức, cá nhân cũng được khuyến khích biên soạn sách giáo khoa.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/can-lam-ro-trach-nhiem-cua-bo-gddt-trong-bien-soan-su-dung-sgk-949031.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong biên soạn, sử dụng SGK</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/7788-ty-dong-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-948897.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; 778,8 tỷ đồng thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông </b></a>

“Người dân rất sợ nghe nhiều SGK”

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sắp trình Quốc hội xem xét thông qua, một nội dung quan trọng được đề cập là thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa; trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, chủ trương này mang lại nhiều lợi ích, như nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng sách giáo khoa vì huy động được trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận biên soạn sách giáo khoa; tạo cơ hội có nhiều sách giáo khoa phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương, tránh được hiện tượng độc quyền; tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh… sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa cũng sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng sách giáo khoa; nâng cao nhận thức về lựa chọn, sử dụng phong phú các tài liệu dạy học, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu của chương trình.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, khi có nhiều sách giáo khoa, nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện phụ huynh học sinh và học sinh tìm hiểu; các tổ, nhóm giáo viên bộ môn thảo luận, đề nghị lựa chọn và nhà trường quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện phụ huynh và học sinh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Người dân rất sợ khi nghe nhiều sách giáo khoa. Các bậc phụ huynh cũng hoang mang vì không biết sách tham khảo này kia thế nào. Không cẩn thận cặp của học sinh nặng lên chứ không được nhẹ đi như mong muốn”.

Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mong muốn bộ SGK chuẩn tức phải khai thác được trí tuệ của các tầng lớp, nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, sau đó Bộ thẩm định để chọn ra bộ sách duy nhất, các bộ khác chỉ là tham khảo. Không nên nhiều Bộ sách giáo khoa, vì “con nhà nghèo lấy đâu tiền mua nhiều sách, chưa kể bị thầy cô bắt mua bộ này bộ kia”.

Cơ quan thẩm tra nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.

Bộ GD-ĐT có nên tham gia soạn sách giáo khoa?

Về việc Bộ GD-ĐT có hay không tham gia tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa cùng với các tổ chức, cá nhân vẫn còn sự phân vân vì có thể xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, đây cũng là vấn đề được Chính phủ thảo luận kỹ và tiếp thu ý kiến của nhiều bên, trong đó có cơ quan thẩm tra. Việc Bộ tham gia sẽ chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều sách giáo khoa.

Sẽ có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và nhà trường sẽ lựa chọn bộ phù hợp
Sẽ có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và nhà trường sẽ lựa chọn bộ phù hợp.

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng cần nghiên cứu quy định thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho biết có ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, ngoại trừ các sách giáo khoa về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân thì Nhà nước vẫn phải trực tiếp tổ chức biên soạn.

Tán thành quan điểm một chương trình nhiều sách giáo khoa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Hiến pháp quy định Nhà nước thống nhất quản lý chung mục tiêu giáo dục đào tạo, thi cử văn bằng, còn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình chuẩn đã được thống nhất không nhất thiết giao cho 1 chủ thể mà có thể xã hội hóa và có hội đồng thẩm định. Hướng đi này là phù hợp, chương trình do Nhà nước ban hành, còn việc biên soạn sách giáo khoa thì bất cứ ai có điều kiện thì biên soạn.

“Nên ủng hộ Bộ GD-ĐT biên soạn vì Bộ là một chủ thể, là cơ quan có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra bộ sách còn phải qua Hội đồng thẩm định quốc gia do Chính phủ hoặc Quốc hội thành lập, trên cơ sở tiêu chí để đánh giá bộ sách nào chất lượng”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu ý kiến.

Ông Uông Chu Lưu cũng không đồng tình quan điểm chỉ Nhà nước biên soạn các sách giáo khoa về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân: “Bên ngoài cũng biên soạn được sao lại cấm? Nên để bình đẳng nhưng trên nguyên tắc đảm bảo tiêu chuẩn và qua Hội đồng thẩm định quốc gia”.

Theo Ngọc Thành
VOV.VN