“Ác mộng” đi thi Đại học

(Dân trí) - Nhà Sáng có năm anh chị em, cả nhà đều làm ruộng. Nhưng riêng Sáng không phải làm ruộng mà được ưu tiên học. Bố cậu bảo: vì nhà có mỗi thằng độc đinh. Bởi vậy, ba năm rồi thi không đỗ. Năm nay Sáng bước sang tuổi 21, cậu vẫn phải tiếp tục thi đại học.

Chuyện của Sáng

 

Năm đầu tiên, nhiều hy vọng, nhiều hoài bão, bố con Sáng đùm đùm bọc bọc lên Hà Nội. Bố Sáng dành toàn bộ số tiền buôn lạc của cả năm đưa con đi thi. Số tiền hơn 5 triệu đồng hết vèo như luồng người luồng xe qua lại vun vút ở chốn thành đô. Năm ấy, Sáng thi vào ĐH Bách khoa. Cho oách!

 

Năm thứ hai, niềm hy vọng của bố Sáng tụt đi một ít. Nhà nông công việc vất vả nên suy nghĩ cũng vất vả. Hai bố con bảo nhau: thành phố khó chen chân, thôi lên rừng cho dễ đỗ.

 

Dậy từ hai giờ sáng, đi hai tiếng gập ghềnh từ Yên Định về thành phố Thanh Hoá, thêm năm tiếng từ đây về Hà Nội và thêm năm tiếng nữa để lên Tây Bắc, nhằm hướng trường ĐH Tây Bắc mà thẳng tiến. Tiếc thay, Sáng chỉ đạt 7 điểm cho cả ba môn thi. Chuyến lên rừng coi như thất bại nặng nề.

 

Năm thứ ba, Sáng chọn thi cao đẳng. Bố con Sáng vẫn sợ Hà Nội nên dù thi cao đẳng cũng phải chạy tít về Hưng Yên để “thoi thóp” đọ sức. Bố bên ngoài ngồi đợi con thi. Gặp thằng cò mồi, nó bảo: thi bây giờ không chạy thì làm sao đỗ, nó là người nhà của ông Chủ tịch hội đồng thi ở đây, nó biết! Tin lời, bố Sáng móc túi đưa ngay cho nó một triệu đồng để lo tương lai cho thằng độc đinh. Hai bố con lại về quê chờ đợi tin. Đợi. Và lại buồn!

 

Bao nhiêu người như Sáng?

 

Hàng năm ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT đều xấp xỉ 800 ngàn thí sinh, nhưng số thí sinh tham dự kỳ thi vào ĐH luôn là trên một triệu. Trừ đầu trừ đuôi, vậy là đã có hơn hai trăm nghìn thí sinh thi đi thi lại như Sáng.

 

Và có bao nhiêu bậc phụ huynh khổ như bố Sáng? Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh thuộc con em các gia đình thuần nông thường chiếm khoảng 60%  trong tổng số thí sinh. Vậy là nếu có khoảng một triệu thí sinh dự thi thì sẽ có khoảng một triệu hai các ông bố bà mẹ “đi tong” vài mùa lúa, vài mùa lạc,vài chục con gà, dăm bảy con lợn…để đưa con đi thi.

 

Trong khi các nhà hoạch định chiến lược cho sự phát triển của giáo dục ngày đêm ngồi bàn luận nghiên cứu tìm giải pháp để kỳ thi sao cho không cồng kềnh, tốn kém, ít căng thẳng và ít ồn ào, phức tạp  thì từ năm này sang năm khác, thí sinh và cha mẹ thí sinh vẫn đổ xô đi thi nối dài thêm những cơn ác mộng.

 

Tỉnh giấc? Chưa biết khi nào! Có lẽ chỉ biết như Xuân Diệu than: Than ôi khổ quá học làm gì/ Những chồng sách nặng khô như đá/ Ruộng gió đồng trăng anh ấy đi.

 

Năm nay Sáng vẫn tiếp tục thi...

 

Mai Minh