9 tỉ phú nổi tiếng thế giới đã từng phải bỏ học
(Dân trí) - Học vấn là điều quan trọng để gây dựng sự nghiệp và là cơ sở của sự thành công. Nhưng lịch sử đã chỉ ra có nhiều nhà tỉ phú mặc dù phải bỏ học vì nhiều lý do song vẫn gặt hái được những thành công và họ đều có điểm chung là luôn luôn nỗ lực hết sức mình.
1. John D. Rockefeller
Ông trùm giàu mỏ John D. Rockerfeller là người sáng lập ra Công ty Standard Oil, sở hữu khối tài sản có giá trị lên tới 340 tỉ USD (nếu tính theo tỉ giá hiện tại). Và thật khó tin khi ông đã bỏ học từ năm 16 tuổi để gây dựng sự nghiệp riêng sau khi học xong cấp 3 và chỉ có một chút kiến thức về ghi chép sổ sách kinh tế. Thậm chí, đã có thời giàn, ông phải đào thuê khoai tây dưới ánh nắng chói chang với mức lương rẻ mạt.
Tuy nhiên cùng với tham vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ, Rockefeller đã trở thành ông trùm giàu mỏ lớn nhất tại Mỹ vào thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông dành những năm tháng cuối đời tập trung vào các hoạt động từ thiện, liên quan chủ yếu đến giáo dục và sức khỏe cộng đồng và dùng gần hết tài sản của mình cho các hoạt động này.
2. Henry Ford
Thời niên thiếu, Ford không học nhiều vì bố ông tin rằng, một ngày nào đó, con trai sẽ tiếp quản trang trại. Tuy nhiên, ông lại có một niềm đam mê bất tận đối với máy móc. Sau khi được bố tặng một chiếc đồng hồ khi bắt đầu bước vào tuổi thanh niên, ông đã mày mò tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của nó.
Đến năm 15 tuổi, ông đã trở thành một người sửa chữa đồng hồ giỏi, đã từng tháo ra và lắp lại các loại đồng hồ của bạn bè và hàng xóm hàng chục lần. Tới năm 16 tuổi, ông rời khỏi nông trại của gia đình mình để đến Detroit làm thợ máy mặc dù điều này khiến bố của mình rất buồn khi vẫn muốn Ford tiếp quản công việc nông trại của gia đình. Năm 1896, ông chế tạo chiếc xe hơi đầu tiên mặc dù không được đào tạo bài bản về khoa học. Nếu tính theo tỉ giá hiện tại, tài sản của ông có thể lên tới gần 200 tỉ USD.
3. Amancio Ortega
Vào năm 14 tuổi, ông phải bỏ học và làm việc tại các cửa hàng gần nhà mình để giúp đỡ gia đình trang trải cuộc sống. Vào năm 1975, ông thành lập thương hiệu thời trang Zara, nhãn hiệu mà cho tới nay đã trở thành một đế chế trong nghành công nghiệp thời trang. Điểm khiến Zara nhanh chóng phát triển chính là chiến lược kinh doanh hợp lý của Ortega.
Theo đó, ông không ngại học tập hay “vay mượn” ý tưởng từ các hãng thời trang lớn trên thế giới khác để áp dụng vào những sản phẩm của mình. Ngoài ra, ông cũng luôn có một mối quan hệ khá tốt với các nhân viên của mình khi thường xuyên trò chuyện với các nhà thiết kế, chuyên gia về chất liệu hay người mua hàng.
Thậm chí, thỉnh thoảng ông vẫn còn hăng hái tham gia vào công việc tra khóa vào sản phẩm. Ông cũng được biến đến là một người khá kín tiếng và ít khi xuất hiện trước công chúng với một phong cách ăn mặc rất đơn giản, không quá cầu kỳ. Hiện ông đang là người giàu nhất Tây Ban Nha với tổng giá trị tài sản là 74 tỉ USD.
4. Kirk Kerkorian
Bỏ học từ năm lớp 8 và trở thành một tay đấm bốc nghiệp dư và sau đó tham gia vào Thế chiến II. Tới năm 1962, ông mua một mảnh đất ở Las Vegas, và chính điều này đã mở đầu cho thành công của ông trùm trong ngành kinh doanh các khu nghỉ dưỡng quy mô lớn. 7 năm sau khi mua mảnh đất ở Las Vegas, ông mở khu nghỉ dưỡng MGM Grand. Thời điểm Kerkorian qua đời, tổng tài sản của ông là khoảng 4 tỉ USD.
5. Francois Pinault
Là người giàu thứ 5 tại Pháp, Pinault là người nắm giữ nhiều thương hiệu lớn như Gucci, Puma, Samsonite cũng như là chủ của nhà đấu giá Christie’s. Ông đã bỏ học vào năm 1947, khi mới 11 tuổi, sau khi bị bạn bè trêu chọc vì gia cảnh nghèo khó và vào làm việc tại xưởng gỗ của cha mình. Tới này, giá trị tài sản của ông là khoảng 13 tỉ USD với một bộ sưu tập hơn 2.000 các tác phẩm nghệ thuật.
6. David H. Murdock
Murdock bỏ học từ năm lớp 9 và làm việc tại một trạm xăng gần nhà cho tới khi đăng ký gia nhập quân đội tham gia Thế chiến II vào năm 1945. Trở về sau chiến tranh, ông bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình với việc mua lại một quán ăn ở Detroit, Mỹ và nhanh chóng thu được lợi nhuận từ đây.
Vào năm 1985, ông mua lại Công ty bất động sản Castle & Cooke cùng quyền sở hữu Công ty hoa quả Dole. Cho tới này, công ty Dole đã trở thành nhà sản xuất trái cây và rau củ lớn nhất thế giới. Hiện tài sản của Murdock được đính giá vào khoảng 3 tỷ USD.
7. Richard Branson
Là một trong những tỉ phủ nổi tiếng nhất trên thế giới song ông đã phải bỏ học từ năm 16 tuổi do mắc chứng khó đọc. Sau đó, ông thành lập một tạp chí kiêm bán lẻ đặt hàng băng đĩa qua thư có tên gọi Student Magazine.
Lúc bắt đầu điều hành tạp chí, ông luôn phải đối mặt với tình trạng khó khăn về mặt tài chính và đây cũng chính là những bài học đầu tiên của Branson về công việc quản lý. Chính từ những kinh nghiệm quý báu này mà ông cũng rút ra được nhiều điều bổ ích nhưng quan trọng nhất chính là nghệ thuật sống sót trong kinh doanh liều lĩnh.
Cứ thế, công việc làm ăn của ông ngày càng tốt hơn và tạp chí này sau đó đã trở thành hệ thống cửa hàng Virgin Records và một hãng âm nhạc nổi tiếng. Trong suốt sự nghiệp của mình, Branson điều hành khoảng 500 công ty với tổng tài sản trị giá 5 tỷ USD.
8. Carl Lindner Jr.
Trong cuộc Đại suy thoái, ông đã phải bỏ học từ năm 14 tuổi để đi giao sữa cho công ty bơ sữa của gia đình nhằm ổn định tài chính và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ này. Sau đó, ông đã mở một cửa hàng kem cùng với hai em trai.
Cùng với khả năng kinh doanh cùng những kinh nghiệm trong khi quản lý công ty bơ sữa của gia đình, Lindner đã phát triển quán kem này và trở thành chuỗi cửa hàng United Dairy Farmers với khoảng 200 cửa hàng. Năm 1984, Lindner mua lại công ty Chiquita Brands International. Tới năm 1999, ông trở thành người đồng sở hữu và CEO của đội bóng chày Cincinnati Reds. Khi qua đời, khối tài sản của ông có trị giá 1,7 tỷ USD và cho đến nay, nó đã tăng lên 2,3 tỷ USD.
9. Joe Lewis
Joe Lewis là người giàu thứ sáu ở Anh, song đã phải bỏ học năm 15 tuổi để điều hành công ty cung cấp lương thực Tavistock Banqueting của gia đình. Hiện này, công ty gia đình này đã phát triển thành Tập đoàn Tavistock, và giúp Lewis thu lợi nhuận từ hơn 200 công ty, bao gồm câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur. Lewis cũng có cổ phần tại Mitchell's & Butlers, hệ thống quán rượu lớn nhất tại Anh, cùng 135 nhà hàng tại Mỹ, 4 trung tâm y tế ở Florida. Hiện tại, tài sản của ông trị giá khoảng 5,3 tỷ USD với một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn 1 tỉ USD.
Ninh Nhật (theo Entrepreneur)