7 việc cần làm để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục

Phát triển giáo dục không thể tách rời với tốc độ phát triển kinh tế. Không có giáo dục phát triển thì không thể tạo ra được những bước nhảy vọt về kinh tế, đặc biệt là trong thời đại kinh tế tri thức.

Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, chúng ta không thể mong muốn có một sự thay đổi quá nhanh. Nhưng chúng ta cần có một tinh thần cách mạng để không bị lạc hậu quá xa so với các nước khác, ít nhất là với các nước trong khu vực.

 

Những việc cần làm ngay trong nhiệm kỳ 2006-2010, theo tôi là:

 

- Xây dựng tinh thần thực học, thực nghiệp trong toàn bộ xã hội. Chống lại tư duy thành tích, tư duy khoa bảng, tư duy danh vị. Cụ thể là lập lại trật tự thi cử ở mọi cấp. Trường tiên tiến là trường dám trung thực trong thi cử chứ không phải trường có tỉ lệ học sinh đỗ cao. Chấp nhận trong một thời gian có tỉ lệ học sinh lưu ban đúng thực trạng, dù có cao bao nhiêu cũng dám thừa nhận. Chỉ có cách này mới thực sự làm đổi mới được thực trạng giáo dục.

 

- Xem xét lại nghiêm túc chương trình và sách giáo khoa của cả hệ thống giáo dục phổ thông với tiêu chí Dân tộc- Khoa học- Đại chúng. Trong tiêu chí Khoa học phải đối chiếu với mặt bằng chung của thế giới. Cố gắng xây dựng một chương trình và một bộ sách giáo khoa có thể sử dụng được trong khoảng 10 năm liên tục. Tận dụng sự hợp tác của tất cả các hội khoa học chuyên ngành trong việc thẩm định nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

 

- Dành ưu tiên kinh phí đồng thời coi trọng sự nghiệp xã hội giáo dục để thực hiện việc kiên cố hóa trường học, khắc phục tình trạng các trường tranh tre và cần có đủ phòng thực hành để bảo quản các trang thiết bị thí nghiệm. Cần có định biên về kỹ thuật viên hướng dẫn thực hành tại trường phổ thông.

 

- Thực hiện việc học hai buổi trong tất cả các trường tiểu học và mở rộng dần ra các trường THCS.

 

- Mở rộng cánh cửa đại học về ngành nghề có nhu cầu xã hội và có khả năng đào tạo. Không đào tạo các ngành nghề thiếu giảng viên chuyên sâu, thiếu sách giáo khoa, thiếu phòng thí nghiệm và không hợp với nhu cầu xã hội. Nên mở rộng việc đào tạo khoa học cơ bản và ngoại ngữ, vì có thể đáp ứng cho số đông người học và tạo điều kiện cho việc tự đào tạo sau này.

 

- Xây dựng các trường đại học chất lượng cao, trước hết là Đại học Quốc gia và các trường đại học trọng điểm. Mạnh dạn đưa các viện nghiên cứu, nhất là các lĩnh vực khoa học cơ bản, về các trường đại học như xu thế chung của cả thế giới. Biện pháp này đâu có khó nhưng vừa đẩy mạnh được nghiên cứu vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, lại tiết kiệm được rất nhiều kinh phí mua sắm thiết bị trùng lặp.

 

- Dành kinh phí thỏa đáng cho việc gửi lưu học sinh và nghiên cứu sinh tới các nước phát triển, ít ra cũng bằng số lượng như trước đây gửi đi đào tạo tại Liên Xô và các nước XHCN khác. Bồi dưỡng đội ngũ giáo sư đầu đàn và tạo điều kiện để các giáo sư này phát huy được hết trí lực của mình trong việc bồi dưỡng các thế hệ kế cận.

 

GS Nguyễn Lân Dũng

Theo Người Lao Động