7 khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới
(Dân trí) - GS. Hoàng Tuỵ đã nhiều lần khẳng định: Đại học VN quá thấp kém. Và nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng giáo dục đại học VN đang tụt hậu quá xa so với thế giới. Sự tụt hậu này đã được GS Phạm Phụ- trường ĐH QG TPHCM chứng minh bằng 7 khoảng cách:
1. Khoảng cách về sứ mệnh, chức năng của giáo dục ĐH: GD ĐH VN thường chỉ nhấn mạnh khía cạnh “phương tiện”, phần “phát triển trí tuệ cá nhân” và giáo dục công dân rất mờ nhạt, chưa chú ý đến việc mở rộng khả năng lựa chọn cho cộng đồng.
2. Khoảng cách về tính chất công cộng của hàng hoá dịch vụ GDĐH. Nếu trên thế giới GDĐH được xem là một loại hàng hóa công không thuần tuý, có cạnh tranh thì ở VN chưa hề có khái niệm này.
3. Khoảng cách về cơ cấu, quy mô của hệ thống GD ĐH. Trên thế giới, GD ĐH được xem là GD bậc 3 hay GD sau phổ thông, nền GD ĐH dành cho số đông với kiểu tổ chức phân tầng, mỗi tầng có sứ mệnh và mục tiêu khác nhau.VN chưa tổ chức phân tầng nền GD ĐH, sứ mệnh mục tiêu của các trường ĐH gần giống nhau và không thích hợp cho nền GD ĐH dành cho số đông, vì vậy, kết quả đào tạo thường là thầy không ra thầy, thợ không ra thợ.
4. Khoảng cách về tổ chức quản lý. Ở VN, quyền lực chủ yếu nằm ở cấp chính phủ/bộ chủ quản, cấp khoa/bộ môn/giảng viên gần như không có quyền lực gì trong khi ở các nước khác trên thế giới thì hoàn toàn ngược lại.
5. Khoảng cách về cơ cấu, nội dung, chương trình đào tạo. VN chủ yếu là chương trình đào tạo ĐH theo kiểu huấn luyện nghề nghiệp, thiếu đa dạng, thiếu liên ngành, liên thông và ít phần tự chọn. Khối lượng kiến thức quá lớn với số giờ lên lớp nhìn chung nhiều hơn các nước đến 30%. Về nội dung thiếu mảng nội dung tổng quát, kỹ năng nhận thức, năng lực xã hội và quá tập trung vào câu hỏi tại sao nên rất nặng tính hàn lâm.
6. Khoảng cách về chất lượng kiểm soát và đánh giá chất lượng. VN chưa có đánh giá chất lượng, không có cạnh tranh, không có so sánh với các nước theo chỉ số.
7. Khoảng cách về tổ chức và phương tiện gảng dạy. VN chủ yếu giảng dạy theo kiểu minh hoạ, học thuộc lòng và sử dụng lớp đông với phấn bảng trong khi thế giới chú trọng đến phương pháp học tập theo vấn đề, chú trọng việc tự học, tham khảo tài liệu viết, nói, giao tiếp, thảo luận, trình bầy, làm việc nhóm…
Châu Bi
(lược ghi)