7 điểm bất hợp lý trong cải cách kỳ thi HSGQG

(Dân trí) - Dưới nickname “chaumuonnoi”, một cựu học sinh giỏi quốc gia đã bày tỏ những suy nghĩ của mình trên diễn đàn Edu.net.vn hôm 1/10, về <a href="http://www17.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/10/144375.vip">những thay đổi</a> trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2007.

Chaumuonnoi đã đưa ra 7 điểm mà em cho là “bất hợp lý” về những cải cách trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà Bộ sắp áp dụng. Đó là:

 

1. Không cho HS lớp 11 tham gia thi quốc gia vì lo ngại HS quá tải: Đây là một lo ngại không cần thiết. Bởi vì, những HS có ý định thi HSGQG đều là những HS thông minh, chăm chỉ và yêu thích môn học đó. Thường là những HS này đều dành nhiều thời gian để tự học từ trước, cho nên khá nhiều bạn HS lớp 10, 11 nhưng đã có kiến thức vững chắc, việc ôn thi đội tuyển không quá vất vả.

 

Tuy việc học đội tuyển có làm gián đoạn tới một số môn học khác, nhưng khoảng thời gian còn lại (kì 2 lớp 11, kì nghỉ hè, năm lớp12) thừa đủ để các bạn  lấp đầy lượng kiến thức đó.

 

2. Nghiêm cấm người ngoài về giảng dạy: Cụ thể là các đội tuyển thường mời giáo sư đầu ngành để dạy HS và GV (tất nhiên việc giảng dạy của các GV trong trường vẫn là chính yếu ). Đây là một sự thay đổi đúng đắn, tuy nhiên muốn thực hiện điều này thì Bộ cũng cần tổ chức thêm nhiều khoá học nâng cao trình độ cho giáo viên, thậm chí luân chuyển giáo viên dạy giỏi giữa các tỉnh để trình độ giáo viên trở nên đồng đều hơn.

 

Cháu đã được học duới sự chỉ bảo nhiệt tình và dễ hiểu của các GS. Việc mời GS sẽ làm sáng tỏ thêm nhiều điều mà GV cấp tỉnh chưa trình bày thấu đáo với HS. Nhưng, việc mời GS cũng có mặt hạn chế là không biết tự bao giờ đã thành lệ là khi mời GS thì học phí quá cao làm nản lòng những HS nghèo học giỏi.

 

3. Việc thi tập trung ở một số địa điểm có thể sẽ gây ra một số ảnh hưởng về sức khoẻ và tâm lí cho thí sinh. Ngoài ra, chi phí đi lại sẽ tốn kém hơn do HS và giám thị đều phải di chuyển.

 

Đồng thời nếu thi tập trung như vậy, nên tổ chức thêm các phần thi thực hành đối với một số môn, như vậy mới xứng tầm một cuộc thi HSG toàn quốc và phù hợp với tinh thần cải cách việc học hiện đại .

 

4. Việc bỏ chia thành hai bảng A, B mà cộng điểm theo khu vực cần có mức cộng điểm tăng thêm.

 

5. Việc các môn từ 2 buổi thi chuyển sang 1 buổi thi là chưa hợp lí.Việc làm này chỉ tăng thêm áp lực vào bài thi .Trong 1 cuộc thi lớn như vậy, HS rất mất bình tĩnh nên thường bài thi thứ nhất sẽ không được như ý muốn, và bài thi thứ hai như là một cơ hội để HS dồn quyết tâm vào. Đồng thời nếu chỉ có một bài thi thì lượng kiến thức sẽ không được bao quát hết .

Ví dụ như môn hoá học có 2 phần phân biệt hết sức rõ ràng là vô cơhữu cơ, việc thi 2 buổi sẽ hợp lí hơn .

 

6.Thời gian thi không nên thay đổi. Giữ nguyên như năm 2006 là hợp lý hơn.

 

7. Vấn đề quan trọng nhất, có ảnh hưởng to lớn tới quyền lợi của các HS tham gia thi HSG QG đó là việc tuyển thẳng hay không tuyển thẳng những học sinh này vào ĐH, CĐ.

 

Theo cháu, việc cho HS đạt giải được vào thẳng đại học là rất hợp lí. Từ trước tới nay vẫn vậy. Đó là một sự khuyến học tốt đẹp dành cho các HS giỏi. Đạt giải trong kì thi HSG QG là niềm vinh dự lớn lao, là niềm khát khao trong đời người HS, được vào thẳng ĐH là 1 phần thưởng cho sự nỗ lực ấy.

 

Nhưng nếu giờ đây, khi cải cách, nếu được giải HSG QG mà chỉ được cộng điểm khi thi vào ĐH, CĐ sẽ làm cho kì thi HSG QG mất đi sự thu hút vốn có của nó với HS. Các bạn có lẽ sẽ chọn con đường ôn thi ĐH cho dễ thở hơn là học đội tuyển.

 

Cháu không muốn thấy cảnh kì thi HSG QG lặp lại con đường của kì thi tốt nghiệp THPT: vào thẳng --> cộng điểm -->bàn cãi, tranh luận --> bỏ điểm thưởng; không muốn thấy cảnh GV phải bắt ép, năn nỉ HS vào đội tuyển, phải đau đầu vì lo lắng tìm HS có chất lượng vào đội tuyển…

 

Sau khi chỉ ra 7 điểm “bất hợp lý” trong cải cách của kỳ thi học sinh giởi quốc gia, Chaumuonnoi đã đưa ra kết luận: “Cháu biết cải cách là một cơn mưa tốt lành để xua tan đi những bụi bặm tiêu cực, những góc đen sai phạm, nhưng cải cách không nên là một cơn bão, lũ cuốn trôi đi tất cả những định hướng tốt đẹp ban đầu đã định ra, những thành tựu đã đạt được. Cải cách nên là đường thẳng chứ đừng nên là đường cong”.

 

Minh Hạnh
(Lược ghi từ Edu.net.vn)