6 yếu kém trong công tác đào tạo tiến sĩ

(Dân trí) - Công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ta còn bộc lộ nhiều yếu kém bất cập, đặc biệt là chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Những yếu kém, bất cập này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại buổi làm việc với các trường ĐH khu vực phía Bắc sáng nay, 30/8:

 

1. Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn

 

Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn có năng lực, uy tín chuyên môn cao, có học hàm, GS, PGS, học vị Tiến sĩ hay Tiến sĩ khoa học. Nhiều chuyên ngành đào tạo, không có GS nào (kể cả cơ hữu lẫn thỉnh giảng), đội ngũ cán bọ khoa học cơ hữu có học vị tiến sĩ (kể cả các chuyên ngành có liên quan) không đủ để có thể tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ tại cơ sở.

 

Số lượng các đề tài khoa học nhận được từ các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, giải quyết các vấn đề khoa học tầm cỡ quốc gia, là cơ sở hình thành các đề tài luận án tiến tĩ rất ít hoặc không có...

 

Hầu hết các cơ sở còn thiếu một đội ngũ quản lý chuyên trách, nắm vững quy chế, tinh thông nghiệp vụ, chủ động và tận tâm với công việc “quản lý nghiên cứu sinh”.

 

Hoạt động nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu trong đào tạo tiến sĩ còn mang tính hành chính, đối phó với quy chế mà chưa coi quy chế là một định hướng, là khung hành lang pháp lý để hoạt động chuyên môn và sinh hoạt học thuật.

 

2. Chương trình đào tạo, mang tính hình thức

 

Chương trình đào tạo tiến sĩ Việt Nam chưa ngang tầm với trình độ khu vực và trên thế giới, ngoài luận án nghiên cứu sinh chỉ phải thực hiện 3 chuyên đề tiến sĩ.

 

Theo quy định của quy chế: các chuyên đề tiến sĩ nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh năng lực nghiên cứu khoa học, cập nhật và nâng cao các kiến thức liên quan trực tiếp đến đề tài luận án, nhưng trên thực tế việc tổ chức thực hiện 3 chuyên đề chưa được thống nhất tại các cơ sở và chỉ mang tính hình thức.

 

3. Công tác thi cử - chưa đáng tin cậy

 

30 năm qua, các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã đào tạo được gần 8.400 tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học.

 

Đến nay có 59 trường đại học/ học viện và 61 viện nghiên cứu khoa học là cơ sở đào tạo tiến sĩ.

Chất lượng tuyển chọn nghiên cứu sinh chưa cao, nguyên nhân do mức độ cạnh tranh trong thi tuyển thấp, nhiều cơ sở đào tạo chỉ tiêu được giao lớn hơn số thí sinh dự thi.

 

Cách thi tuyển, từ việc ra đề, chấm thi, tổ chức bảo vệ đề cương, thẩm định bài báo... thì việc thi cử chưa phải là rào cản đáng tin cậy để có thể loại ra những người chưa thực sự có năng lực làm nghiên cứu sinh (NCS).

 

Việc xác định đề tài nghiên cứu của NCS còn nhiều bất cập, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành khoa học...

 

4. Yếu về tổ chức và quản lý đào tạo NCS

 

Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tiến sĩ ở các trường tuy có khá hơn Viện, song chưa đủ năng lực để làm tốt công tác tổ chức và quản lý đào tạo; phần lớn các nghiên cứu sinh được đào tạo theo hình thức không tập trung do các cơ sở đào tạo không có chỗ làm việc cho NCS; Phần lớn NCS không tham gia các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu sinh hoạt chuyên môn của bộ môn...

 

5. Đánh giá luận án còn mang tính hình thức, nể nang

 

Do việc kém chuyên nghiệp của cán bộ giáo vụ nên NCS thường lúng túng trong việc thực hiện các quy định của quy chế về yêu cầu đối với luận án và tóm tắt luận án; Nhiều Hội đồng Bộ môn thông qua luận án một cách chiếu lệ; Việc đánh giá luận án cấp nhà nước mang nặng tính hình thức, nể nang.

 

6. Lạc hậu trong thu chi tài chính

 

Các quy định về thu chi tài chính  cho đào tạo tiến sĩ quá lạc hậu; kinh phí quá ít và hạn chế, không đủ  để trang trải chi phí đào tạo khiến cho chất lượng và môi trường đào tạo sau đại học bị giảm sút và biến chất.

 

Trước thực trạng trên, năm 2007, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp: Sắp xếp lại mạng lưới, quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo tiến sĩ; Xây dựng lại chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ; Nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội  ngũ giáo viên hướng dẫn; Cải tiến công tác tuyển sinh; Đầu tư cho công tác đào tạo. 

Minh Hạnh