6 giải pháp “cứu” 6 bất cập của ĐH, CĐ ngoài công lập
(Dân trí) - Cuối tháng 1/2007, lần đầu tiên ngành giáo dục bàn về các giải pháp “giải phẫu” cho hệ thống giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập. Với 6 điểm bất cập được thống kê trong cuộc bàn thảo này cho thấy hệ thống ĐH, CĐ ngoài công lập đã tồn tại trong suốt 10 năm qua thực sự chỉ như một “đứa con rơi” của ngành giáo dục.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay cả nước có 45 trường ĐH, CĐ; trong đó có 28 trường ĐH (19 trường ĐH dân lập, 7 trường ĐH tư thục, 2 trường ĐH bán công) và 17 trường CĐ (1 trường CĐ bán công, 3 trường CĐ dân lập, 13 trường CĐ tư thục) (chiếm gần 10% trong tổng số các trường ĐH, CĐ).
TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hồng Bàng nhận xét: “ĐH ngoài công lập là đứa con sinh ra từ trong ống nghiệm, không ai xác định được hộ tịch của các trường. Bản thân các trường hiện nay chưa mang hộ tịch nào. Chính vì thế, cần nhanh chóng chuyển đổi để các trường ngoài công lập biết mình thuộc hệ nào”.
Sau hơn 10 năm hoạt động các trường ĐH, CĐ đã đào tạo được khoảng 120.000 sinh viên (chiếm 12% số sinh viên trong cả nước). Tuy nhiên, mọi mặt tồn tại trong hệ thống này từ tổ chức lỏng lẻo, đào tạo phần nhiều theo kiểu tự phát, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... đều có điểm bất ổn.
Chúng tôi xin giới thiệu cụ thể 6 điểm bất cập và 6 giải pháp “cứu” ĐH, CĐ ngoài công lập mà Bộ GD-ĐT vừa đề ra:
6 điểm bất cập:
1. Nội bộ lục đục, không thống nhất, mất đoàn kết nghiêm trọng. Về bất cập này, một lãnh đạo Vụ ĐH và SĐH đưa ra dẫn chứng: Có trường hội đồng quản trị trong nhiều năm liền không tham gia họp với cán bộ viên chức của trường; hiệu trưởng không chấp hành nghị quyết của hội đồng quản trị như Trường ĐHDL Hải Phòng, Văn Hiến, Hùng Vương, Đông Đô.
Thậm chí, hội đồng quản trị của các trường ĐHDL Hồng Bàng, ĐHDL Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, ĐHDL Hải Phòng, ĐHDL Cửu Long đã quá hai nhiệm kỳ vẫn không chuẩn bị gì cho nhiệm kỳ mới.
2. Bổ nhiệm tuỳ hứng. Đây cũng là một trong những yếu kém về công tác tổ chức cực kỳ đáng lo ngại tồn tại trong hệ thông này. Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội bổ nhiệm cùng lúc đến... 11 hiệu phó, trong khi Trường ĐHDL Hải Phòng lại... không có một hiệu phó nào.
3. Mặt bằng chật hẹp. Phần lớn các trường ngoài công lập hiện nay đều phải thuê mướn địa điểm và phân tán nhiều nơi. Có trường đã thành lập hơn mười năm với qui mô đào tạo 4.000-5.000 sinh viên/năm nhưng diện tích chỉ hơn 1ha. Một số trường khác diện tích cũng chỉ ở mức khiêm tốn như Trường ĐHDL Phương Đông 1,5ha; Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM 0,6ha. Thậm chí, diện tích của Trường CĐ Công nghệ TP.HCM chỉ có... 0,25ha.
4. Đội ngũ giảng viên: yếu và thiếu. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu nhiều trường rất thấp, có trường chỉ đạt 15%, còn lại là giảng viên thỉnh giảng mời từ các trường công lập nên rất bị động. Có trường thành lập trên 10 năm nhưng chỉ có 77 giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý như Trường ĐH dân lập Đông Đô, 53 giảng viên như Trường ĐH dân lập Hùng Vương…
Trường ĐHDL Lương Thế Vinh, đến nay chỉ có 45 giảng viên; CĐ Kinh tế công nghiệp TPHCM có 37 giảng viên, CĐ tư thục Đức Trí 41 giảng viên, ĐH FPT 54 giảng viên.
Tính bình quân tỉ lệ sinh viên/giảng viên của các trường ngoài công lập là 43 sinh viên/giảng viên, cao gấp 1,5 lần so với hệ công lập là 28,5 sinh viên/giảng viên.
5. Trang thiết bị học tập, nghèo nàn, eo hẹp. Trang thiết bị học tập ở hệ thống các trường này luôn ở mức báo động. Phần kinh phí của các trường đầu tư cho hạng mục này ở mức rất thấp. Trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường rất nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu. Ngay cả hệ thống thư viện cũng không đáp ứng được cho sinh viên, giảng viên.
6. Mội trường giáo dục không tốt. Một tồn tại hiện nay ở các trường ngoài công lập là sự liên kết - cạnh tranh và cạnh tranh - liên kết. Mối quan hệ này hiện nay chưa tốt. Môi trường văn hóa trong giáo dục đang còn nhiều khó khăn. Điều này là một cản trở lớn đối với sự phát triển của các trường.
Điều này có nguyên nhân từ đội ngũ giảng viên của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập rất thiếu người tài. Nhiều người vừa làm công tác giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học nên quỹ thời gian không có nhiều. Lòng tin giữa cán bộ khoa học với nhau cũng chưa tốt.
6 giải pháp:
1. Tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường ngoài công lập song song với việc tăng cường quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
2. Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và cơ cấu trình độ theo quy định chung để đến năm 2010 đạt tiêu chí chung là 20 sinh viên/giảng viên, 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ và 25% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
3. Xây dựng đủ phòng học theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, đáp ứng 4m2 sàn/sinh viên và có diện tích đất của trường từ 20-30ha. Những trường có diện tích hẹp dưới 3ha trong thành phố cần có dự án để chuyển ra ngoại thành, hạn chế tối đa việc thuê cơ sở vật chất phân tán ở nhiều nơi.
4. Trong năm 2007 toàn bộ các trường ngoài công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tư thục. Thực hiện việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
5. Các trường thuộc khối ngành kỹ thuật công nghệ phải có đủ trang thiết bị để sinh viên thực tập, thực hành và máy tính cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin bình quân 2 sinh viên/máy.
6. Đến năm 2010 các trường ngoài công lập phải tham gia đào tạo theo chương trình tiên tiến, sử dụng tài liệu bài giảng điện tử trên mạng để cải tiến phương pháp giảng dạy và tham gia kiểm định chất lượng.
Nhóm PV Giáo dục