54 ứng viên giáo sư, phó giáo sư trượt từ vòng Hội đồng Giáo sư cơ sở
(Dân trí) - Theo thông tin từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, năm 2020 cả nước có 603 ứng viên đăng ký xét tiểu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, 187 ứng viên rút đăng ký và bị loại từ Hội đồng GSCS.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 416 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020.
Theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn Phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, thống kê ban đầu có 603 ứng viên đăng ký xét tiểu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, có 133 ứng viên không nộp hồ sơ và 54 ứng viên bị loại từ Hội đồng Giáo sư cơ sở. Như vậy, chỉ còn 416 ứng viên giáo sư, phó giáo sư tham gia xét, giảm hơn so với năm trước. (Năm 2019 có 555 ứng viên được đề nghị xét công nhận).
Trong số đó, có 65 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn giáo sư, 351 ứng viên được đề nghị đạt chuẩn phó giáo sư ở 26 Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành.
Sau vụ lùm xùm về chất lượng bài báo quốc tế, ngày 15/9, Hội đồng Giáo Nhà nước đã có công văn gửi Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành yêu cầu: Kiểm tra chất lượng của các bài báo, có phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên, loại bỏ các bài có nội dung trùng lặp (chỉ tính 01 lần) theo quy định.
Xem xét tác giả chính, các thông tin xuất bản (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản), số tạp chí.
Phỏng vấn ứng viên trong phiên họp Báo cáo khoa học tổng quan để làm rõ lý do ứng viên đăng bài số lượng lớn trong thời gian ngắn như: ứng viên tham gia các nhóm nghiên cứu; xuất hiện yếu tố nước ngoài (địa bàn nghiên cứu, dữ liệu, số liệu nước ngoài, tác giả nước ngoài…).
Kiểm tra một số thông tin như: Thời gian phản biện (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản); một nhà xuất bản phát hành đồng thời nhiều tạp chí;
Phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan đang công tác.
Về tiêu chí xác định tác giả chính của bài báo khoa học, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu xác định theo quy định của từng tạp chí cụ thể (tác giả đứng đầu, tác giả liên hệ…); không chấp nhận xác nhận từ nhóm tác giả.
Đối với tiêu chí sách chuyên khảo, chương sách do Nhà Xuất bản (NXB) quốc tế có uy tín xuất bản, về xác định sách chuyên khảo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu dựa vào nội dung và kết cấu của cuốn sách không chỉ dựa vào cụm từ “sách chuyên khảo” in trên bìa sách.
Kiểm tra, đánh giá cụ thể cuốn sách và các thông tin liên quan như: Lĩnh vực chuyên môn, số lượng tác giả, đề tài khoa học, tài liệu tham khảo, nghiên cứu của tác giả đóng góp vào nội dung cuốn sách.
Hồng Hạnh