5 rủi ro có thể xảy ra trong đề thi ĐH năm nay

(Dân trí) - Nếu như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005, hàng trăm nghìn thí sinh dở khóc dở cười bởi đề thi khối A quá “nhàn nhạt” và đề thi môn Sử khối C quá bất ngờ, thì đề thi năm nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nữa.

Nguyên nhân là vì sự rối rắm giữa đề thi tự chọn và không tự chọn của chương trình phân ban và không phân ban.

 

Theo nguyên tắc đề thi năm 2006 do Bộ GD-ĐT đề ra thì, đề thi năm naycó nội dung bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh…

 

Đề thi gồm hai phần: Phần câu hỏi bắt buộc đói với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

 

Đối với chương trình THPT phân ban, đề thi khối A, B ra theo chương trình ban Khoa học tự nhiên, khối C, D ra theo chương trình ban khoa học xã hội và nhân văn.

 

Với những nguyên tắc trên, sẽ có 5 rủi ro rất dễ xảy ra trong đề thi năm nay:

 

1. Phần tự chọn sẽ bị biến thành những câu hỏi cực khó: Khi Bộ đề ra nguyên tắc đề thi sẽ chủ yếu năm trong chương trình lớp 12, một vấn đề đặt ra là trong chương trình lớp 12, phần giống nhau giữa phân ban và không phân ban rất ít. Vì thế, các câu hỏi chung dành cho cả đại trà và phân ban sẽ buộc phải nằm nhiều ở nội dung của lớp 10 và lớp 11 vì ở hai khối lớp này mới có nhiều kiến thức chung ở những môn học của đại trà và phân ban.

 

Phần tự chọn sẽ rơi vào nội dung chương trình lớp 12 với những câu hỏi gần như chỉ là để đoạt điểm 10 là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi những người ra đề luôn phải cân nhắc trước yêu cầu phải đạt được yêu cầu phân hoá của đề thi và phải đạt được độ khó tương ứng giữa phần tự chọn của khối phân ban và không phan ban.

 

2. Thí sinh sẽ rất dễ bị mất điểm: Một đề thi dàn trải với những câu hỏi lắt nhắt sẽ trở thành một thực tế khó tránh trong đề thi năm nay. Để tránh sai sót, những người ra đề buộc phải nghiên cứu cực kỳ kỹ càng phần giao thoa giữa hai chương trình phân ban và không phân ban. Hiển nhiên, khi càng nghiên cứu kỹ bao nhiêu thì sự lắt nhắt của các câu hỏi, sự dàn trải của đề thi sẽ càng nhiều bấy nhiêu.

 

Nếu như những năm trước, thí sinh chỉ cần nắm thật vững kiến thức lớp 12 là có thể ung dung với đề thi, thì năm nay, thí sinh phải nhớ cặn kẽ toàn bộ chương trình của cả ba năm 10, 11, 12.

 

Theo TS Nguyễn An Ninh, ra đề thi ĐH là một quy trình cực kỳ khó khăn và phức tạp. Năm nay, việc tồn tại song song hai chương trình, ba bộ sách giáo khoa sẽ khiến quy trình ra đề thi vất vả hơn nhiều.

 

Bộ GD-ĐT đã có chủ trương huy động nhiều giáo viên giỏi ở bậc THPT, đặc biệt là giáo viên đang dạy chương trình phân ban tham gia biên soạn và phản biện đề thi.

3. Yêu cầu “bám sát” nội dung chương trình sẽ rất mông lung: Chỉ riêng chương trình phân ban thí điểm đã có hai bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là cò chưa kể đến bộ sách giáo khoa THPT tồn tại song song.

 

Mặc dù Cục trưởng cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Nguyễn An Ninh luôn khẳng định dù có mấy bộ sách giáo khoa đi nữa thi bộ sách nào cũng phải căn cứ trên yêu cầu của chương trình THPT, đề thi được ra trong phạm vi của chương trình SGK với các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, học theo chương trình SGK nào cũng phải đáp ứng được những yêu cầu này. Tuy nhiên, cũng theo ông Ninh, cùng một câu hỏi nhưng ở mỗi bộ SGK đều có  phương pháp giải khác nhau.

 

Điều này đã thể hiện, việc đề thi sẽ bám sát được chương trình, SGK phổ thông là một yêu cầu rất mông lung vì bám sát theo SGK nào? Bởi các bộ SGK có cách giải khác nhau thì đương nhiên có cách dạy khác nhau và cách tiếp cận cũng khác nhau.

 

4. Nhầm lẫn trong đáp án: Trong tuyển sinh ĐH năm nay, hướng dẫn chấm thi sẽ được xây dựng theo hướng có nhiều phương án thể hiện phù hợp với những bộ SGK khác nhau.

 

Nếu như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2005, chỉ tồn tại một đáp án cho mỗi môn mà ở hai môn Toán và Hoá còn có sai sót thì năm nay, với nhiều đáp án như vậy, không biết thí sinh có bị mất điểm oan vì nhầm lẫn trong đáp án?

 

5. Sự mất công bằng trong đề thi Ngoại ngữ: Năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm khách quan môn Ngoại ngữ. Theo kết quả của kỳ thi thử trắc nghiệm ngoại ngữ thì điểm thi cao phần lớn chỉ rơi vào những thí sinh thuộc khu vực Hà Nội và những thành phố lớn.

 

Tại nhiều địa phương, điểm thi của thí sinh rớt xuống một cách thảm hại - một điều rất hiếm xảy ra đối với một đề thi ngoại ngữ theo phương pháp thông thường. Nếu không thận trọng trong việc ra đề, đề thi môn ngoại ngữ sẽ rất dễ đến tình trạng gây ra bất công cho nhiều thí sinh.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh