5 ngày nghỉ lễ, học sinh kín lịch học thêm để thi lớp 6 chất lượng cao

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày nhưng gia đình chị Vũ Phương Trà không rời Hà Nội vì con gái đang "chạy nước rút" ôn thi lớp 6 chất lượng cao.

Mỗi ngày 1 ca học thêm, tự học 2-3 tiếng

Con chị Vũ Phương Trà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang học lớp 5 một trường công lập. 3 năm trước, khi con vừa nghỉ hè lớp 2, chị Trà đã cho con đi ôn thi tại các trung tâm có tiếng với mục tiêu đỗ vào lớp 6 trường điểm.

Theo chị Trà, không thể đỗ các trường Ngoại ngữ, Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành mà không đi học thêm từ sớm.

Thời gian trước, lịch học thêm của con chị là 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2 ca, gồm cả 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Từ ra Tết, chị Trà tăng lịch học cho con lên 5 buổi/tuần.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, giáo viên cho lớp nghỉ học nhưng chị Trà và các phụ huynh khác đều xin không nghỉ. 

5 ngày nghỉ lễ, học sinh kín lịch học thêm để thi lớp 6 chất lượng cao - 1

Học sinh thi lớp 6 Trường THCS Ngoại ngữ (Ảnh: Nguyên Hạnh).

"Lịch thi PSA (bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh tiểu học của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cận kề. Lịch thi trường Nguyễn Tất Thành cũng chỉ còn một tháng. Thời gian không có nhiều nên con cần dồn sức tập trung ôn luyện. 

Bố mẹ cũng dành cả kỳ nghỉ rảnh rỗi để nấu cho con món ngon, đưa con đi chơi phố nửa ngày, rồi lại về học bài, ôn bài với cô và các bạn. Mỗi ngày con có một ca học online với thầy cô và tự học 2-3 tiếng", chị Trà chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hy sinh cả kỳ nghỉ lễ dài để đồng hành với con trai trong kỳ thi lớp 6 chất lượng cao sắp tới.

Con chị Trang dự định thi 4 trường. Mục tiêu cao nhất là Trường THCS Ngoại ngữ, tiếp đó là Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành và Nam Từ Liêm.

"Kỳ thi lớp 6 năm nay thực sự rất khắc nghiệt và khó đoán. Trường Ngoại ngữ đổi hoàn toàn cách thức thi, từ thi trên giấy chuyển sang thi máy, cấu trúc định dạng đề thi cũng thay đổi 100%. 

Trong khi đó, 3 trường Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, Nam Từ Liêm bỏ xét điểm học bạ, chỉ tính điểm bài thi đánh giá năng lực.

Thắng hay thua phụ thuộc hoàn toàn vào bài thi này, do đó mức độ cạnh tranh của kỳ thi cũng sẽ gay gắt hơn, đồng nghĩa với việc học sinh phải ôn luyện tích cực hơn", chị Trang phân trần.

Chị Trang hiện cho con ôn thi 5 buổi/tuần gồm 2 buổi toán, 2 buổi tiếng Anh và 1 buổi tiếng Việt. Tất cả đều học trực tiếp tại trung tâm. Chị cho rằng, đây là tần suất ôn thi phổ biến với các sĩ tử lớp 5 muốn thi trường chất lượng cao.

"Còn trường điểm thì còn học thêm ở bậc tiểu học"

Một thầy giáo tiểu học xin giấu danh tính nêu quan điểm cá nhân cho rằng, việc ôn thi vào lớp 6 trường điểm có bản chất là học thêm nhưng chính đáng.

"Thực tế đã và đang diễn ra cho thấy, muốn thi đỗ các trường chất lượng cao, học sinh không thể không học thêm. Đề thi vào các trường chất lượng cao không dành cho những học sinh chỉ học và làm bài tập trong sách giáo khoa. 

Có em được bố mẹ tài giỏi kèm cặp, có em phải tìm đến thầy cô kèm cặp, đều là học thêm.

Khi Thông tư 29 có hiệu lực, mặc dù việc dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học bị cấm, nhưng ai sẽ là người tuân thủ? Liệu có bố mẹ nào yên tâm tuân thủ mà để con ở nhà, không đi học thêm, không đi ôn luyện? Bởi vì vào trường điểm là một cuộc đua, không phải đi thi cho vui.

Còn trường điểm thì còn học thêm ở bậc tiểu học, có cấm cũng khó khả thi", thầy giáo nhận định.

5 ngày nghỉ lễ, học sinh kín lịch học thêm để thi lớp 6 chất lượng cao - 2

Học sinh thi lớp 6 Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thầy giáo cũng nói thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho thi tuyển vào lớp 6, nhưng cho phép xét tuyển bằng hình thức kiểm tra đánh giá năng lực nên không hề giảm áp lực cho kỳ tuyển sinh đầu cấp này ở Hà Nội.

Ở góc nhìn phụ huynh, chị Vũ Phương Trà cho rằng các thầy cô đang dạy con không vi phạm quy định vì họ không dạy chương trình giáo dục phổ thông, do đó không thể quy kết họ đang dạy thêm.

"Con tôi học toán tư duy, học tiếng Anh khác sách giáo khoa, học luyện thi PSA (bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh tiểu học của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội)… Như vậy, con tôi không học chương trình giáo dục phổ thông, không được tính là học thêm theo định nghĩa trong Thông tư 29.

Ở bậc học nào cũng vậy, muốn vào được các trường top đầu thì mỗi học sinh phải nỗ lực học tập hơn bình thường. Không muốn dành thời gian cho học tập, không muốn học hành vất vả thì sao có được kiến thức vượt trội. Nếu học sinh nào, gia đình nào cũng muốn học ít chơi nhiều thì sao đất nước có được người tài. 

Tôi cho rằng, quy định cấm dạy thêm, học thêm chỉ nên áp dụng trong nhà trường và để cho mỗi gia đình được quyền quyết định việc học thêm hay không học thêm của họ", chị Trà bày tỏ.

(*) Tên phụ huynh đã được thay đổi.