5 năm đi trải nghiệm 5 lần tại cùng một nơi, học sinh "thu hoạch" được gì?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chị Nguyễn Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc khi trường của con tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm tại 1 trang trại ở ngoại thành tới 5 lần trong suốt 5 năm tiểu học.

Hoạt động trải nghiệm hay team building ngoài trời?

Con chị Nguyễn Thanh Thủy học tại một trường tiểu học dân lập. Đầu mỗi năm học, ngoài học phí, chị phải đóng khoản phí hoạt động trải nghiệm 2 triệu đồng. Mỗi năm, nhà trường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại 2 lần ngay sau đợt thi giữa kỳ. Hai chuyến dã ngoại này được trường gọi là hoạt động trải nghiệm.

"Lớp 1, cả con cả mẹ đều hào hứng. Lớp 2, con vẫn vui vì được đi chơi. Tới lớp 3, khi giáo viên chủ nhiệm thông báo lịch dã ngoại tại đúng trang trại đã đi hồi lớp 1, lớp 2, con chán mẹ cũng ngán. Nhóm phụ huynh xôn xao phản ánh. Nhưng nhà trường kiên định đưa các con tới nơi đó hết lớp 5.

5 năm 10 chuyến đi nhưng các con phải đi một nơi tới 5 lần. Tôi thắc mắc là các con được trải nghiệm gì ở đó hay nhà trường làm để chạy đủ chi tiêu cho hết số tiền phụ huynh đã đóng góp?", chị Thủy đặt vấn đề.

Cũng theo chị Thủy, các chuyến hoạt động trải nghiệm của con có nội dung giống nhau, thiên về vui chơi thay vì trải nghiệm. 

"Nhìn hình ảnh cô giáo đăng lên nhóm lớp và so sánh qua các năm, tôi thấy chương trình đơn điệu và dừng ở các trò chơi tập thể. Yếu tố trải nghiệm, giáo dục văn hóa rất mờ nhạt. Cá nhân con tôi từ lớp 3 đã không còn hào hứng với hoạt động này", chị Thủy chia sẻ.

5 năm đi trải nghiệm 5 lần tại cùng một nơi, học sinh thu hoạch được gì? - 1

Một khu du lịch sinh thái thường xuyên đón đoàn học sinh hoạt động trải nghiệm tại Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).

Cùng quan điểm, chị Hoàng Thị Thùy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nêu ý kiến: "Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường bản chất rất hữu ích, giúp học sinh rèn kỹ năng hoạt động nhóm, rèn kỷ luật ngoài lớp học, va chạm thực tế…

Nhưng nội dung của một chuyến đi thực tế thì không được phong phú và không đạt kỳ vọng của phụ huynh.

Con tôi năm nay lớp 7, đi gần 10 chuyến đi nhưng loanh quanh cũng chỉ có vài khu du lịch quanh Hà Nội. Nếu bọn trẻ tham gia từ 1 đến hết lớp 9 thì 9 năm có tới 18 lần đi. Lần nào cũng đi những nơi na ná nhau, không có gì mới mẻ, không có những hoạt động bổ ích, mang tính giáo dục cao. 

Một số địa điểm thậm chí còn rất sơ sài, nghèo nàn về cơ sở vật chất, không đủ đáp ứng cho số lượng học sinh của một trường.

Nên nói chung nó đúng là một chuyến đi gọi là chơi thôi chứ không được trải nghiệm gì nhiều".

Nỗi lo mất an toàn rình rập học sinh trong mỗi chuyến hoạt động trải nghiệm

Anh Hoàng Văn Thắng (Thanh Trì, Hà Nội) không cho con đi hoạt động trải nghiệm cùng lớp hai năm nay. Nguyên nhân xuất phát từ sự cố trong chuyến đi của con năm lớp 6. 

Anh Thắng cho biết, chuyến đi có hơn 500 học sinh, mỗi lớp có 1 giáo viên và 1 phụ huynh đi cùng để quản lý. Lúc tập trung ăn trưa, giáo viên phát hiện vắng mặt con anh.

Cả lớp đổ xô đi tìm. Giáo viên thậm chí yêu cầu nhân viên khu du lịch lặn tìm, kiểm tra tất cả các hồ nước. Gần 20 phút sau, con anh Thắng được bạn tìm thấy đang ngủ trong một lều lá.

"May mắn là cháu ngủ quên chứ không gặp chuyện rủi ro nhưng rõ ràng nguy cơ xảy ra là có. Khu du lịch có tới 3 hồ nước, không rào chắn, không nhân viên bảo vệ. Đoàn quá đông học sinh, nhà trường lẫn công ty du lịch không đủ nhân lực quản lý.

Học sinh đi hoạt động trải nghiệm nhưng không được hướng dẫn đầy đủ về kỷ luật tập thể, về các nguyên tắc an toàn. 

Thông thường, với một đoàn chỉ vài chục người độ tuổi trẻ em, để đảm bảo an toàn cho các chuyến đi là điều không đơn giản, từ chuyện xe cộ đi lại, an toàn giao thông đến việc an toàn ở những nơi có hồ nước, bể bơi, sông, biển. 

Nhưng nhà trường sẵn sàng tổ chức cho hàng trăm học sinh đi mà không có bất kỳ một cam kết nào về an toàn. Phụ huynh cũng không dám đưa ra yêu cầu về an toàn mà cứ thế ký giấy cho con đi", anh Thắng chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thùy cho biết thêm, chị từng được giáo viên gửi nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm để ký xác nhận cho con tham gia. Chương trình này do bên công ty đối tác của nhà trường làm. 

Dưới phần chữ ký xác nhận của phụ huynh, phía công ty để một dòng chú thích nhỏ: "Phụ huynh chịu trách nhiệm nhắc nhở con thực hiện đúng theo hướng dẫn của công ty tổ chức. Nếu có rủi ro xảy ra, công ty không chịu trách nhiệm".

Chị Thùy lấy bút đỏ gạch dòng đó đi và viết thêm câu "Phụ huynh chỉ chịu trách nhiệm nhắc nhở con trước khi đi. Trong quá trình tổ chức hoạt động của mình, công ty phải chịu trách nhiệm".

Chị nói rõ với giáo viên, chị chỉ đồng ý cho con đi nếu bên công ty cam kết về trách nhiệm trong suốt hành trình bởi phụ huynh không tham gia chuyến đi này. Giáo viên chủ nhiệm đồng tình và bảo vệ quan điểm của chị. Sau đó, bên công ty đã phải sửa lại tờ chương trình.

Ngoài vấn đề về những tai nạn rình rập trên đường đi hay trong quá trình hoạt động trải nghiệm, chị Thùy còn lo lắng chuyện ăn uống.

5 năm đi trải nghiệm 5 lần tại cùng một nơi, học sinh thu hoạch được gì? - 2

Học sinh trải nghiệm làm vải nhuộm chàm truyền thống của người H'Mông (Ảnh: Hoàng Hồng).

Ở trường con chị, chi phí cho mỗi chuyến hoạt động trải nghiệm trung bình hơn 300.000 đồng và không bao gồm ăn uống. Ban đầu chị Thùy cho rằng, việc nhà trường và công ty đối tác không đưa ăn uống vào chương trình là cách để giảm bớt số tiền đóng góp. Tuy nhiên, sau này chị nhận ra đó là câu chuyện về an toàn mà ai cũng muốn né tránh.

"Mỗi chuyến đi đó, phụ huynh được yêu cầu tự lo bữa trưa cho con. Lí do của nhà trường là khu du lịch không đảm bảo điều kiện ăn trưa cho số đông học sinh, nhà trường sợ không đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là nhà trường lo lắng phải chịu trách nhiệm nếu bữa ăn có vấn đề.

Nếu phụ huynh tự chuẩn bị đồ ăn cho con từ sáng, với thời tiết mùa hè, mọi thứ sẽ ôi, hỏng hết. Các con không thể ăn được sau nửa ngày hoạt động hết năng lượng. Còn nếu giáo viên và phụ huynh đi cùng phải lo bữa ăn tại chỗ cho các con thì thực sự rất vất vả.

Sau nhiều lần phụ huynh góp ý, trong một chuyến đi gần đây, nhà trường đồng ý sẽ đặt đồ ăn từ một nhà hàng mang đến địa điểm trải nghiệm cho các con. Mặc dù nhà trường và ban phụ huynh đã đi tiền trạm, nhưng kết quả bữa ăn vẫn rất tệ, đồ ăn nấu không chín, không đảm bảo vệ sinh", chị Thùy chia sẻ.

Chị Thùy nói thêm, chị hoàn toàn ủng hộ chủ trương cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường, nhưng cách thức tổ chức cần phải thay đổi. 

"Đặt sang một bên yếu tố giáo dục, chỉ nói về mức độ an toàn, hiện có bao nhiêu khu du lịch và công ty du lịch đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và cứu hộ cứu nạn đảm bảo để phục vụ một đoàn học sinh lên đến vài trăm người cùng lúc, chưa kể có cả khách ngoài đoàn học sinh? 

Và khi nơi đó chưa đủ đảm bảo an toàn, liệu có nên tổ chức cho các con đi trải nghiệm hay không?", chị Thủy đặt câu hỏi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm