Ngày 30/11, tại Nam Định, Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam (UVF) tổ chức tổng kết 5 năm Dự án “Tăng cường tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân và chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ mầm non”. Dự án được triển khai từ năm 2007 đến 2011 tại 25 tỉnh thành trên toàn quốc.
Đối tượng hưởng thụ của chương trình là trẻ mầm non và những người liên quan đến việc chăm sóc giáo dục trẻ, bao gồm phụ huynh, giáo viên mầm non, cán bộ công nhân viên ở các trường và các nhà quản lý. Chương trình được thực hiện theo ba nội dung chính, đó là tập huấn cho giáo viên; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về vệ sinh cá nhân cho trẻ và phụ huynh; cung cấp các trang thiết bị như: xà phòng, khăn mặt, nước lau nhà…cho các trường học, xây dựng máng rửa tay cho các em, thực hiện vệ sinh môi trường, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho các cháu.
Vệ sinh cá nhân giúp trẻ em tránh được nhiều bệnh
Theo đại diện Vụ Giáo dục Mầm non, trước khi tuyên truyền giáo dục về vệ sinh cá nhân cho trẻ, nhận thức và hành vi của trẻ về vệ sinh cá nhân còn thấp biểu hiện bằng số liệu chỉ có 4.388/9.494 trẻ trả lời đúng các câu hỏi về vệ sinh cá nhân. Tỉ lệ trẻ nhận thức và thực hành vệ sinh cá nhân đạt loại tốt chiếm 39,4%, khá 39,2%, trung bình 18,2%. Số trẻ có nhận thức cũng như năng lực thực hành yếu 3,1%.
Sau khi có chương trình tuyên truyền giáo dục, nhận thức cũng như hành vi của trẻ có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ trả lời đúng các câu hỏi tăng 40,6%; Nhận thức và khả năng thực hành vệ sinh cá nhân tốt đạt 79,4% (tăng gấp đôi), tỷ lệ trung bình chỉ còn 3,5% (giảm hơn 4 lần).
Sau 5 năm thực hiện, với tổng số tiền tài trợ lên đến 10 tỷ đồng từ Quỹ Unilever, dự án đã được thực hiện tại 175 trường thuộc 25 tỉnh trên cả nước với 60.000 trẻ em được hưởng lợi thông qua việc tuyên truyền và rèn luyện kỹ năng vệ sinh cá nhân. Điểm đặc biệt là nhận thấy ý nghĩa tích cực và hiệu quả thiết thực của dự án, rất nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Bình… đã huy động nhiều nguồn lực để nhân rộng mô hình và đem lại kết quả rất đáng khích lệ với gần 50.000 trẻ ngoài dự án được hưởng thành quả của chương trình.
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Truờng mầm non Họa Mi, xã Thịnh Cường, huyện Hưng Yên tỉnh Nam Định cho biết: “Khi tham gia chương trình này, các giáo viên được hướng dẫn cụ thể hơn về các thao tác qui trình rửa tay của trẻ, cách giúp trẻ phòng chống các bệnh tay, chân, miệng. Để các em học sinh hiểu và thuộc cách rửa tay đúng bài bản, nhà trường đã vận dụng những bài thơ, bài hát vào giảng. Đặc biệt, khi tiếp cận với chương trình này thì lớp học đựợc đầu tư về bình lọc nước, cũng như là các bồn rửa tay cho trẻ, bình ủ nước cho trẻ , tranh tuyên truyền”.
Đánh giá về ý nghĩa của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị: “Chương trình đã hỗ trợ, nâng cao kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân cho cán bộ, giáo viên và trẻ mầm non, cải thiện đáng kể công tác chăm sóc giáo dục vệ sinh cho trẻ, góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình giáo dục Mầm non do Bộ ban hành, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các trường mầm non khó khăn... Chương trình có sức ảnh hưởng và lan tỏa tích cực, đem đến cho trẻ thơ vùng khó khăn những điều kiện chăm sóc giáo dục tốt hơn”.
Hồng Hạnh