Tự chủ đại học:

5 hậu quả của quản lý giáo dục đại học theo mô hình kiểm soát nhà nước

(Dân trí) - Thực tế cho thấy, có tới 13 bộ, ngành và hầu như cả 63 tỉnh, thành phố, địa phương đều tham gia vào quản lý tập trung các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Trong bài viết: “Đặc thù của Quản trị đại học và những bất cập trong cơ cấu tổ chức, quản lý hệ thống ở Việt Nam hiện nay” của PGS.TSKH Phạm Đức Chính, Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM đã chỉ ra  5 hậu quả quản lý giáo dục đại học theo mô hình kiểm soát nhà nước. Cụ thể:

5 hậu quả của quản lý giáo dục đại học theo mô hình kiểm soát nhà nước - 1

Nhiều văn bản của các bộ khác ban hành còn chồng chéo lên chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thiếu vắng môi trường pháp lý chuẩn mực trong kiểm soát

Hậu quả thứ nhất, Thiếu vắng môi trường pháp lý chuẩn mực trong kiểm soát và đảm bảo thực thi của cả Hệ thống giáo dục đại học. Thực trạng nền Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ kết quả của Hệ thống quản lý từ trước đó. Hệ thống này lại phụ thuộc vào Hệ thống mẹ to hơn, gắn với nó là Hệ thống thể chế và bộ máy vận hành của cả nền kinh tế nói chung.

Do vậy, các kết quả cải cách giáo dục đại học trước đây được thực hiện dưới dạng chủ trương, theo cơ chế hành chính xin - cho, dựa chủ yếu vào chỉ thị từ trên, phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan ở dưới. Không có chế tài nào buộc người ta phải thực hiện vì kiểm soát Hệ thống kém hiệu quả, không cá nhân có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm về số phận của nó vì Hệ thống quản lý rất lạc hậu, mang nặng tính dân chủ hình thức.

Vì vậy, yếu tố cốt lõi cần phải cải cách về mặt pháp lý là, tuân thủ quy trình xây dựng luật pháp theo những chuẩn mực khách quan về những văn bản của Nhà nước đối với Hệ thống giáo dục đại học.

Trong quy trình đó, chính sách chỉ được phép thực thi khi trở thành văn bản lập pháp, nghĩa là buộc phải qua ít nhất hai cửa, Chính phủ và Quốc hội, tại mỗi cửa lại được các ủy ban chuyên môn liên quan thẩm định, đệ trình ý kiến đề xuất.

Chỉ với quy trình xây dựng pháp luật như vậy, chiến lược phát triển giáo dục mới có thể hy vọng tránh được số phận bất khả thi như các chiến lược trước nó.

Một khi cơ sở thực tế đưa ra đã không thể khẳng định được bản chất vấn đề thì những giải pháp dựa trên đó cũng không thể dám chắc thay đổi được toàn bộ vấn đề. Và đây chính là rủi ro của những văn bản phát triển giáo dục Việt Nam đã đề xuất.

Như vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu để có quản lý Hệ thống giáo dục đại học đạt hiệu quả thì xây dựng Luật giáo dục phải thể hiện được mức độ chuyên nghiệp.

Trong văn bản lập pháp, bao giờ cũng có mục quan trọng là nhân sự và tài chính dành cho cơ quan hành pháp thực thi và mức tài chính đầu tư cho các hạng mục được nêu trong chính sách. 

Văn bản luật như vậy không chỉ đủ điều kiện cần về tài và lực để thực thi mà còn được bảo đảm bằng điều kiện đủ bởi chế tài do Hệ thống tư pháp, tòa án, viện kiểm sát đảm nhận.

Chỉ với quy trình xây dựng chính sách như vậy, chiến lược phát triển giáo dục đại học mới có thể hy vọng tránh được số phận như trước nó, chí ít những giải pháp chiến lược đề xuất bị hoài nghi bất khả thi, bức xúc dư luận chắc chắn sẽ được kết luận.

Phân tán trách nhiệm quản lý

Hậu quả thứ hai: Sự phân tán trách nhiệm quản lý qua nhiều bộ, ngành và tỉnh thành chủ quản. Hậu quả này được thể hiện ở các góc độ sau: Thứ nhất, chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với Hệ thống giáo dục đại học chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.

Thứ hai, tách rời quản lý nhà nước về chuyên môn với quản lý nhân sự, tài chính đã làm giảm tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với toàn bộ Hệ thống giáo dục quốc dân và làm cho bộ máy quản lý giáo dục trở nên cồng kềnh, nặng nề.

Thứ ba, năng lực của các cơ quan quản lý giáo dục chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý phức tạp trong bối cảnh mới với lĩnh vực khác biệt đặc thù của giáo dục đại học.

Thực tế cho thấy, có tới 13 bộ, ngành và hầu như cả 63 tỉnh, thành phố, địa phương đều tham gia vào quản lý tập trung các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất theo luật pháp được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục thì việc kiểm tra chấp hành các văn bản đó ở các trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành khác và Uỷ ban nhân dân địa phương là cơ quan chủ quản còn rất hạn chế, lỏng lẻo.

Thêm nữa, có những văn bản của bộ khác ban hành còn chồng chéo lên chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số chủ trương như phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực và cơ sở đề xuất của các trường, đồng thời qui định các trường thực hiện ba công khai...

Tuy nhiên, những chủ trương trên hoàn toàn chưa đủ vì tính xơ cứng của Hệ thống tồn tại quá lâu. Thực tế cho thấy cơ chế xin-cho vốn không minh bạch vẫn còn tồn tại khá nặng nề và bản thân các trường đại học cũng chưa thoát ra khỏi thói quen trông chờ ỷ lại vào nguồn kinh phí được bao cấp.

Có quan điểm cho rằng nếu Nhà nước không quản lý và đưa ra qui định cụ thể ràng buộc các trường thì Hệ thống giáo dục đại học sẽ không kiểm soát được. Lập luận này, trong một chừng mực nào đó là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao trong một Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như hiện nay lại tồn tại quá nhiều trường đại học với chất lượng yếu kém, nhưng xử lý và khắc phục hậu quả thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Mô hình quản lý bị đồng hóa

Hậu quả thứ ba: Mô hình quản lý bị đồng hóa. Đây là hậu quả có tác động rất lớn đến hoạt động của toàn Hệ thống. Trên thực tế, khuôn khổ pháp lý họat động của các trường đại học đều được Nhà nước qui định rất chặt chẽ, giống với mô hình Kiểm soát nhà nước ở châu Âu, từ các qui định học thuật, nguyên tắc tài chính đến chế độ tuyển dụng nhân sự và đãi ngộ...

Những quy định cứng nhắc này đã làm cho Hệ thống giáo dục đại học bị xơ cứng, máy móc như là một cơ quan hành chính thuần túy, khác hẳn với những gì mà môi trường học thuật cần phải có.

Nhưng, lại không giống với châu Âu, mô hình kiểm soát nhà nước ở Việt Nam không được phân quyền, kiểm tra, giám sát và qui định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, dẫn đến kết quả hoạt động của cả Hệ thống bị buông lỏng, cơ quan nào thích thì làm, không thích cũng chẳng sao.

5 hậu quả của quản lý giáo dục đại học theo mô hình kiểm soát nhà nước - 2

Nhà nước luôn mong muốn có thành tích trong nghiên cứu khoa học để có trường đại học đẳng cấp quốc tế. (Ảnh: Giờ học nghiên cứu của sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng)

Sự tách rời giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Hậu quả thứ tư: Sự tách rời giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hậu quả này biểu hiện ngay trong chính đội ngũ giảng viên đại học, mà thường không coi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là bắt buộc, các nghiên cứu viên ở viện nghiên cứu không tham gia giảng dạy, giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học không có hoạt động liên kết và phối hợp.

Sự tách rời này làm cho các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường đại học không thể trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, sự hình thành và tồn tại của các viện nghiên cứu độc lập có từ thời kỳ kinh tế bao cấp, đã mang đến những tách biệt giữa nghiên cứu và đào tạo.

Hơn nữa, ngay cả bản thân của các đại học và trường đại học hàng đầu ở Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các trường chỉ mới có định hướng nghiên cứu (trên dưới 10% thu nhập từ khoa học công nghệ).

Mặc dù vậy, nhưng Nhà nước thì lại luôn mong muốn có thành tích trong nghiên cứu khoa học để có trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nguy hiểm hơn là, cả thầy và trò, cả trường đều chạy theo những thành tích ảo trong khoa học.

Một xã hội phát triển được là nhờ có thành tích của các thành viên của nó, nhưng nếu toàn xã hội chỉ chạy theo thành tích thì vấn đề không phải là phát triển mà đã chuyển sang hủ bại. Xu hướng tô vẽ để có được nhiều thành tích không thực chất thì lại nguy hiểm cho xã hội.

Khi các thành tích được định nghĩa bằng các chỉ tiêu lệch lạc, thì người ta sẽ chạy theo các chỉ tiêu lệch lạc đó để đạt thành tích, cho dù làm việc đó có gây thiệt hại cho xã hội.

Ví dụ, khi tỷ lệ tốt nghiệp cao được lấy làm thước đo thành tích chính mà coi nhẹ các yếu tố khác, thì dẫn đến ngay xu hướng hạ chuẩn đánh giá sinh viên, dạy dễ đi, thi dễ đi, khuyến khích gian lận thi cử, để đạt được tỷ lệ đỗ cao.

Thêm vào đó, nếu thầy giáo muốn sinh viên phản hồi tích cực thì thầy giáo cũng phải biết điều với sinh viên, tức là đánh giá điểm sinh viên dễ đi, điểm cao nhiều lên. Hậu quả là chất lượng đào tạo xuống cấp, và cả giảng viên và sinh viên cùng trở thành những kẻ gian lận. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến đạo đức học đường, đạo đức nghiên cứu khoa học, những giá trị cốt lõi của giáo dục đại học bị băng hoại, xã hội sẽ xuống cấp.

Hệ thống tổ chức các đại học rất biệt lập

Hậu quả thứ năm: Hệ thống tổ chức các đại học rất biệt lập. Sự phân tán này dẫn đến, có quá nhiều các học viện và trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với chương trình đào tạo chuyên ngành rất hẹp, biệt lập. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết để hình thành khả năng tự học suốt đời.

Việt Nam đang có nhiều trường đại học, nhưng lại rất thiếu các viện đại học đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng mà chỉ có phần lớn là các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ như Sư phạm, Y dược, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nông lâm, Kỹ thuật, Kinh tế, Kiến trúc...

Đây là các trường đại học mà giảng dạy là chủ yếu nhưng có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và có ít phần giáo dục tổng quát hơn khi so với các viện đại học đa lĩnh vực.

Tổ chức quản lý và Mô hình viện đại học đa lĩnh vực, phải là nơi trí tuệ phát triển, biên giới hiểu biết được nới rộng. Đại học phải bao gồm đủ mọi mặt tri thức của xã hội, chứ không chỉ một hai ngành đơn lẻ, chuyên biệt.

Hệ thống tổ chức đào tạo đại học phân tán và biệt lập, cả về tổ chức và cả về địa lý (theo nghĩa mỗi trường chuyên ngành ở mỗi nơi và không thể cùng tồn tại trong một đại học).

Hệ thống tổ chức biệt lập như vậy sẽ không thể có tính liên thông giữa các ngành học, các hệ học, và lại càng không thể có liên kết đào tạo mang tính khoa học. Vì chương trình đào tạo của các trường không mang tính tổng hợp, mà là biệt lập, nên sinh viên ở trường này không thể chọn môn học phù hợp ở trường khác.

Kết quả học tập của sinh viên trường này không được trường khác thừa nhận. Biệt lập về tổ chức cũng không cho phép thầy giáo kết hợp, trao đổi và nghiên cứu chung. Việc tổ chức theo kiểu ốc đảo này vẫn tiếp tục vì triết lý giáo dục tổng hợp không được thể hiện trong chương trình giảng dạy ở mỗi trường

Từ đó dẫn đến hậu quả, các chủ trương liên kết, liên thông trong đào tạo hiện nay giữa các trường đại học chỉ mang tính hình thức, và diễn ra trên cơ sở lợi ích của nhà cung cấp chứ không tính đến lợi ích của người học, cộng đồng, doanh nghiệp và của xã hội.

Những đặc quyền trong Quản lý giáo dục đã chuyển lợi ích chung thành lợi ích của một ngành, một nhóm nhà cung cấp, một nhóm cá nhân có độc quyền. Lợi ích đào tạo không chỉ mang tính cục bộ giữa các cơ sở đào tạo với nhau, mà còn cục bộ giữa các đơn vị trong một cơ sở đào tạo, giữa các Khoa, giữa các Bộ môn trong trường đại học. Đó là tính phi hiệu quả trong cung cấp hàng hóa, và sẽ không thể nói đến chất lượng sản phẩm trong một Hệ thống cung cấp biệt lập như vậy.

Từ sự phân tán và biệt lập dẫn đến mô hình tổ chức các đại học được lắp ghép từ nhiều ốc đảo. Điều này không phải là ngẫu nhiên bởi vì mỗi đại học đều cho mình tự chủ như những ốc đảo. Có nghĩa là sinh viên ở trường này không thể lấy lớp ở trường kia trong cùng một đại học. Do đó việc học Toán chẳng hạn ở những thầy dạy Kinh tế thì rõ ràng là học từ một người biết sơ về toán.

 Ngược lại, muốn dạy về Kinh tế môi trường mà không biết gì về Hóa học hoặc Nông nghiệp không biết hoặc không có cơ hội giao lưu với những người ở những ngành này thì mục đích cũng chẳng khác gì nhằm tạo ra những “sản phẩm” bị lỗi, hay còn gọi là người khiếm thị.

Khi các trường đại học được tổ chức lại thành các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Đại học trọng điểm thì việc tổ chức lại chỉ mang tính hình thức, dựa trên sự lắp ghép cơ học từ nhiều ốc đảo con, cuối cùng chỉ khác biệt bởi tên gọi mà thôi.