5 giáo viên "chạy show" dạy học ở 21 trường
(Dân trí) - Do thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bố trí cho 5 thầy cô tin học dạy liên trường. Với 21 trường tiểu học, mỗi giáo viên phải "chạy show" 4-5 trường khác nhau.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh lớp 3. Đến năm học 2023-2024, hai môn học trên trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 4 thay vì môn tự chọn như chương trình hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các cơ sở giáo dục nếu gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, phải xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Điều đó nhằm bảo đảm 100% học sinh được học môn tiếng Anh và tin học theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Điều động, bố trí giáo viên "chạy show"
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, tại Hà Tĩnh, việc hai môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc đã khiến nhiều địa phương của tỉnh này rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Tại Hương Khê, toàn huyện có 21 trường tiểu học nhưng năm học này chỉ có 5 giáo viên dạy môn tin học.
Trước ngày khai giảng, Phòng GD&ĐT đã phải điều động, bố trí 3 cô giáo và 2 thầy giáo giảng dạy tin học ở... 21 trường.
Trong đó, mỗi thầy, cô phải dạy 4-5 trường. Trong văn bản điều động, bố trí giáo viên nêu trên, ông Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê nêu rõ: Do số lượng giáo viên môn tin học ít, phải bố trí dạy học tại nhiều trường, điểm trường cách xa nhau, số tiết giảng dạy cao hơn định mức nên đề nghị hiệu trưởng các trường tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho giáo viên môn tin học trong việc bố trí công việc, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp.
Thầy Lê Bính Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên, cho biết trường hiện chưa có giáo viên tin học nên Phòng GD&ĐT bố trí cô giáo Phan Thị Thu Lệ (giáo viên Trường Tiểu học Phúc Trạch) đến giảng dạy những năm qua. Trước đó, cô Lệ giảng dạy 2 tiết cho học sinh lớp 3 nhưng năm nay tăng thêm 2 tiết cho học sinh lớp 4.
Ngoài ra, cô Lệ còn được bố trí giảng dạy tại các trường tiểu học khác như Phúc Trạch (7 tiết), Hương Trạch (11 tiết) và Hương Trà (6 tiết).
"Trước năm học này, phó hiệu trưởng các trường và cá nhân cô phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất, sắp xếp lịch giảng dạy cho phù hợp, nhằm giải quyết khó khăn hiện nay", thầy Thìn nói.
Giáo viên mệt mỏi, áp lực
Một thầy giáo tin học của huyện Hương Khê cho biết năm học này, bản thân được điều động, bố trí giảng dạy tại 5 trường khác nhau, các trường lại có khoảng cách địa lý rất xa, đường đi lại khó khăn, vất vả.
"Tôi dạy ở 5 trường với tổng số 28 tiết thực dạy, cộng với 18 tiết phụ trách 6 phòng máy, như vậy tổng 46 tiết. Điều đó sẽ thừa so với định mức của Bộ GD&ĐT là 23 tiết. Việc vượt quá số tiết định mức như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người lao động. Chưa kể, ngành công nghệ thông tin là một ngành đặc thù, có tính chất độc hại đối với sức khỏe con người", thầy giáo này nói.
Trước nhiều áp lực như vậy, nam giáo viên đã làm tờ trình gửi lên cấp trên để mong được xem xét định mức tiết dạy và chế độ chính sách theo đúng quy định hiện hành nhằm yên tâm công tác.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, năm học 2023-2024, cấp tiểu học toàn huyện có 21 trường, 339 lớp với tổng số giáo viên 461, trong đó có 423 giáo viên văn hóa (tính cả tuyển mới 23 người) và các giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, 5 giáo viên tin học, 33 giáo viên ngoại ngữ.
Theo quy định tại Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT, chương trình cấp tiểu học xây dựng trên cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tỷ lệ giáo viên/lớp tối thiểu 1,5.
Thế nhưng, năm học 2023-2024, cấp tiểu học tại Hương Khê chỉ có tỷ lệ 1,36 giáo viên/lớp. Cụ thể, tỷ lệ giáo viên văn hóa/lớp gần đạt 1,08; 5 giáo viên tin học 135 tiết, bình quân mỗi giáo viên 27 tiết/tuần; 33 giáo viên tiếng Anh dạy 808 tiết, bình quân mỗi giáo viên 24,5 tiết/tuần (định mức quy định 23 tiết/tuần). Điều đó cho thấy chưa đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.
Với số giáo viên đang có của cấp tiểu học, để đáp ứng dạy 2 buổi/ngày, số tiết vượt định mức ước tính 61.775 tiết/năm.
Trước thực trạng như trên, Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê đã làm tờ trình, đề nghị UBND huyện cấp kinh phí giải quyết chế độ làm việc thừa giờ cho giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.