40 triệu USD để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngành kỹ thuật
(Dân trí) - Chiều 20/8, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký biên bản thỏa thuận và công bố đầu tư mở rộng hợp tác và cam kết tài chính nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngành kỹ thuật của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chương trình hợp tác giáo dục ngành kỹ thuật (HEEAP) là mô hình kết hợp thành công giữa 3 nhà: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà trường trong việc đào tạo nhân lực. Đây là các thành phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác giữa khu vực công và tư trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt nam.
“Tôi đánh giá cao các kết quả đạt được của HEEAP và dự kiến thông qua HEEAP có thể xây dựng một chương trình quốc gia về mô hình hoạt động và quản lý hiệu quả trong trường đại học. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh việc mở rộng quy mô và nội dung hoạt động của HEEAP để góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới đại học Việt Nam” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Trong khuôn khổ chương trình HEEAP mở rộng, Bộ GD-ĐT và Đại học Bang Arizona là các đối tác đầu tiên đã ký thỏa thuận về đầu tư đào tạo giảng viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng chương trình đào tạo và năng lực giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh với tổng chi phí ước tính trên 4 triệu USD.
Ngoài cam kết của Bộ GD-ĐT, chương trình HEEAP mở rộng cũng sẽ được cung cấp kinh phí từ nguồn lực của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Intel và các đối tác công nghiệp khác. Ước tính tổng đầu tư cho chương trình HEEAP mở rộng vào khoảng 40 triệu USD.
Mục tiêu của HEEAP nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam qua việc đào tạo một lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Hơn nữa, HEEAP cũng hứa hẹn thúc đẩy hợp tác giáo dục và nghiên cứu, cũng như các mối quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Việc mở rộng chương trình HEEAP sẽ thiết lập một mạng lưới đào tạo từ xa cho phép sinh viên trên cả nước có thể tham gia các khóa học trực tuyến cùng một lúc. Các hệ thống cơ sở dữ liệu đang được sử dụng tại các chương trình giáo dục kỹ thuật tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam cũng sẽ được nâng cấp.
Bên cạnh đó cũng sẽ đào tạo thêm khoảng 1.000 giảng viên tại Việt Nam phù hợp với các yêu cầu từ tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học - cụ thể là ABET (Ban Chứng nhận Kỹ thuật và Công nghệ của Hoa Kỳ) và chuẩn CDIO (Hình thành Ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành).
Được biết, chương trình HEEAP được khởi xướng từ năm 2010 với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và tập đoàn Intel. HEEAP được thực hiện và quản lý bởi Trường Kỹ thuật Ira A. Fulton của Đại học Bang Arizona. Đến nay chương trình đã đào tạo được hơn 100 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng Việt Nam về đổi mới thiết kế chương trình và phương pháp giảng dạy ngành kỹ thuật.