Bạn đọc viết:

4 nỗi lo của nghề giáo

(Dân trí) - Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý, là quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, nghề giáo vẫn còn nhiều nỗi lo và nhiều điều trăn trở.

Gần 15 năm theo nghề, được đồng hành với không ít những thay đổi về chủ trương, chính sách đối với giáo dục. Những buồn vui với nghề tôi cũng đã từng trải qua.

Thế nhưng, hành trình 15 năm với nghề, cứ mỗi lần những cô cậu học trò tâm sự hoặc nhờ tư vấn hướng nghiệp để theo nghề giáo, lòng tôi lại nặng trĩu, đầy băn khoăn, trăn trở và không dám mạnh dạn định hướng các em đến với nghề "gõ đầu trẻ".

Tôi lo lắng cho chặng đường phía trước mà các em sẽ phải trải qua. Bởi với tôi, nghề giáo hiện nay còn quá nhiều nỗi lo.

4 nỗi lo của nghề giáo - 1

 Một năm học mới nữa lại sắp bắt đầu, dù còn nhiều khó khăn, vất vả và những nỗi lo, đội ngũ nhà giáo vẫn đang nỗ lực vượt qua tất cả để tiếp tục sự nghiệp "trồng người".

 Thứ nhất, nỗi lo thất nghiệp

Trước đây, mặc dù có nhiều mỉa mai "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", nhưng nhiều học sinh, gia đình vẫn chọn và định hướng con mình vào sư phạm. Bởi đó là một nghề cao quý, an toàn và quan trọng không phải lo lắng nhiều về việc làm. Sẽ được đi dạy ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Thế nhưng, hiện nay thực tế đó không còn nữa. Với việc nhiều trường Đại học ồ ạt đào tạo sư phạm cùng với cơ chế sinh viên sư phạm không phải đóng học phí nên sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm khá nhiều.

Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp rất nhiều nhưng nhu cầu giáo viên thì lại ít. Vì thế số lượng sinh viên không có việc làm, hoặc làm nghề không đúng chuyên ngành trở nên phổ biến.

Thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, có đến 10.000 sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường khó có việc làm. Giáo viên chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy những học trò, những sinh viên do mình hướng dẫn thực tập sư phạm lại trở thành công nhân tại các khu công nghiệp, những shipper, những người làm thuê theo thời vụ,…

Đối với những gia đình ở nông thôn, những bậc làm cha mẹ vất vả làm thuê, dành dụm đầu tư cho chặng đường trở thành giáo viên của con em mình không khỏi thất vọng, xót xa khi chứng kiến cảnh con mình không thể theo nghề giáo.

Thứ hai, nỗi lo về tài chính

Mặc dù có nhiều cải thiện trong chính sách tiền lương nhưng thực tế cuộc sống của nhiều giáo viên vẫn còn khá bấp bênh. Không ít trường hợp cả hai vợ chồng đều là giáo viên nhưng lại chật vật lo cho gia đình với nhiều thứ chi tiêu và gánh nặng lo chuyện học hành, tương lai của con.

Giáo viên THPT hạng III mới ra trường khoảng 3,5 triệu, nhưng giáo viên THCS, Tiểu học, Mầm non thì thấp hơn con số ấy nhiều. Phần lớn, giáo viên công tác xa nhà khoảng thu nhập ấy không cho đủ sinh hoạt cá nhân chứ đừng nói đến giúp đỡ lại gia đình. Vì thế gánh nặng tài chính đối với họ là rất lớn.

Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản thì họ chỉ đủ sống là giỏi, không thể tích góp được chứ chưa nói đến mua đất, xây nhà. Sự khó khăn về tài chính đã dẫn đến nhiều giáo viên đều phải làm thêm việc ngoài để tăng thu nhập hoặc chuyển nghề, xin nghỉ việc.

Thứ ba, nghề giáo không nhàn hạ như xã hội nghĩ

Với nhiều người, công việc của giáo viên khá nhàn hạ. Công việc của giáo viên chủ yếu là dạy trên lớp hết buổi là xong. Giáo viên THCS, THPT lại nhàn hơn vì chỉ dạy theo số tiết đúng quy định.

Đặc biệt, giáo viên lại được "ưu ái" nghỉ hè lại suốt ba tháng vẫn hưởng đủ lương. Nhưng thực tế không phải như thế. Nếu như nhiều ngành nghề khác, xử lý công việc chủ yếu  tại cơ quan, đơn vị.

Nhưng do đặc thù, tính chất công việc, ngoài việc lên lớp giảng dạy, giáo viên phải xử lý một khối lượng công việc không hề nhỏ như soạn giảng, thực hiện hồ sơ, sổ sách, báo cáo chuyên đề, thao giảng, kiểm tra, sơ kết, đánh giá, bồi dưỡng chuyên môn,… phần lớn công việc này giáo viên phải xử lý ở nhà.

Riêng giáo viên nào được phân công công tác chủ nhiệm thì còn phải quản lý thêm những hoạt động ngoại khóa của lớp, thường xuyên phối hợp với giáo viên bộ môn, liên lạc với phụ huynh để giáo dục học sinh.

Thứ tư, nghề giáo nhiều áp lực và trở thành một nghề nguy hiểm

Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những chuẩn mực trên cũng dần biến đổi và cùng với đó là áp lực đè nặng lên vai các thầy cô giáo.

Người giáo viên chịu áp lực trước hết từ cơ chế quản lý nhà nước với hệ thống luật, các quy định ngành, chủ trương đổi mới giáo dục, về văn bằng, chứng chỉ và hồ sơ theo quy định. Tiếp theo người giáo viên chịu áp lực từ chất lượng giáo dục, chỉ tiêu giảng dạy và thành tích của đơn vị.

Ngoài ra, trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo viên còn chịu sức ép rất lớn từ phía  phụ huynh và dư luận khắc khe từ phía xã hội. Người thầy bị cha mẹ học sinh và xã hội đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy nặng nề hơn bao giờ hết.

Người thầy phải "tôn trọng" tuyệt đối người học. Không được phê bình, quở trách, phạt, xử lí kỉ luật học sinh dù học sinh có phạm lỗi… Và thực tế, nhiều giáo viên không dám tự ý xử phạt hay nói nặng những học sinh cá biệt, quậy phá trong lớp vì sợ sai quy định, vi phạm đạo đức nghề giáo,…

Bên cạnh những sức ép đè nặng lên người giáo viên, còn có những mối đe dọa từ học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội. Nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rầm rộ và trở thành công cụ "truyền tin" với tốc độ nhanh chóng mặt. Hàng ngày, đến trường không ít giáo viên luôn mang theo những nỗi sợ vô hình như bị chính học sinh, phụ huynh xúc phạm, dọa nạt, bị hành hung hay bị chỉ trích từ mạng xã hội.

Câu chuyện thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đánh chảy máu đầu khi xử lý học sinh vi phạm nội quy đồng phục, Cô giáo ở một Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội bị học sinh đánh ngay trên bục giảng hay câu chuyện Cô giáo một trường tiểu học ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi vì phạt học sinh.,… tới bây giờ vẫn còn ám ảnh cho nhiều giáo viên. Từ đó, có thể thấy được nghề giáo luôn đi kèm với những nguy hiểm.

*****

Một năm học mới nữa lại sắp bắt đầu, dù còn nhiều khó khăn, vất vả và những nỗi lo, đội ngũ nhà giáo vẫn đang nỗ lực vượt qua tất cả để tiếp tục sự nghiệp "trồng người", góp phần thực hiện chiến lược "đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục" nước nhà.

Con đường đổi mới giáo dục vẫn đang ở những bước đầu tiên, gian nan còn nhiều. Để thực hiện thành công chặng đường ấy, ngoài  sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo phải cần có sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm, sự chung tay của các cấp các ngành và của toàn xã hội.