4 nhóm kỹ sư Việt nhận giải thưởng 90.000 USD từ Facebook, Google
Những kỹ sư trẻ người Việt đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của bản thân khi sản phẩm của họ được những ông trùm giới công nghệ thế giới như Facebook, Google công nhận.
Trong cuộc thi Hackathon được tổ chức bởi Topica và Edtech Asia vừa qua, bốn đội xuất sắc nhất đã giành được những giải thưởng từ Facebook, Google và Topica với tổng giá trị lên tới $90.000 USD. Tuy không đạt giải Nhất chung cuộc nhưng ứng dụng Kid-REC của hai bạn trẻ Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi đã lọt vào tầm ngắm của ông lớn công nghệ khi nhận được gói tài trợ Facebook Start dành cho đội có sản phẩm Mobile App xuất sắc nhất.
Muzikator giúp nhóm ACT giành giải Nhất đầy thuyết phục
Bốn chàng trai Nguyễn Quang Phúc, Đoàn Ngọc Bảo, Phạm Thanh Huy và Phạm Thế Hùng đã áp dụng công nghệ xử lý âm thanh để tạo ra app Muzikator - Ứng dụng giúp mọi người học nhạc dễ dàng, thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.
Khi được hỏi về ý tưởng bắt nguồn để tạo ra một ứng dụng thú vị như vậy, trưởng nhóm Nguyễn Quang Phúc cho biết họ nghĩ về một app học nhạc vì phát hiện ra một số nhược điểm của cách giảng dạy âm nhạc truyền thống: Các bài học lý thuyết âm nhạc thường không có sẵn trên mạng; Chi phí học tập âm nhạc khá cao do hạn chế về người dạy, thời gian và chi phí phát sinh để mua dụng cụ và tài liệu giảng dạy; Học nhạc cũng khá khó và sẽ gây cảm giác nhàm chán nếu không có phương pháp thích hợp.
Muzikator kỳ vọng sau cuộc thi sẽ tiếp tục hoàn thiện những chức năng còn thiếu và trình làng một sản phẩm hoàn thiện trong thời gian tới, đem lại hỗ trợ lớn cho những người có nhu cầu học hát, học nhạc ở mọi lứa tuổi.
Nhóm ACT nhận giải thưởng từ Giám khảo Mike Michalec (Co-founder & CEO, EdTech Asia).
App Kid REC nhận gói tài trợ FbStart trị giá 80.000 USD
(Nguồn: VTV)
Tuy chỉ đạt giải Nhì của Edtech Asia Hackathon 2016, đội Eezy gồm hai thành viên: Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi với ứng dụng mang tên Kid REC: Xây dựng kỹ năng cảm xúc cho trẻ từ 6-10 tuổi, đã giành giải thưởng lớn nhất đến từ nhà tài trợ Facebook trị giá 80.000 USD dành cho Mobile App xuất sắc nhất.
Nắm bắt xu hướng giáo dục mới tập trung phát triển trẻ em theo thiên hướng cảm xúc (Social and Emotional Learning - SEL), từ đó phát triển các mối quan hệ xã hội, tính tự tin, tự lập, ứng dụng này giải quyết vấn đề dùng công nghệ làm công cụ để giúp các bé tương tác với ba mẹ và những người thân xung quanh. Trong tương lai, Kid REC sẽ được xây dựng theo mô thức game mà trong đó trẻ sẽ phải quay video để hoàn thành nhiệm vụ ở từng màn chơi, giúp trẻ hiểu thêm về các cảm xúc cơ bản (vui, buồn, giận, sợ hãi) và học cách kiềm chế cảm xúc qua các câu chuyện mà các em quay được.
Ý tưởng rất thực tiễn và hữu ích này đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo và nhà tài trợ Facebook. Eezy được lựa chọn vào Accelerate Track trong khuôn khổ chương trình FbStart (FbStart là một chương trình do Facebook thiết kế để hỗ trợ các startup Mobile phát triển các ứng dụng của họ), được sử dụng các gói dịch vụ giá trị từ các đối tác danh tiếng của Facebook và giải thưởng lên đến 80.000 USD.
Somia được đánh giá cao về ý tưởng trong Edtech Asia Hackathon 2016
Xuất phát từ các bài báo khoa học đưa ra thông số để theo dõi giấc ngủ của người dùng xem đã ngủ say chưa, từ đó việc học trong lúc ngủ say có thể tác động tới trí nhớ người dùng mà không ảnh hướng đến giấc ngủ của họ, đội Powerify (Nguyễn Quang Vũ và Nguyễn Tuấn Anh) đã tìm tòi nghiên cứu và bắt tay thực hiện app Somia - Dream without end.
Somia là ứng dụng giúp học từ vựng tiếng Anh trong lúc ngủ. Từ trước đến nay, hầu như tất cả mọi người đều chỉ quen với việc học hành trong lúc tỉnh. Tuy nhiên, những kiến thức sẽ bị rơi rụng và không có cách nào để củng cố chúng. Ngược lại, nếu học trong khi ngủ say, kiến thức sẽ được đưa vào phần bộ nhớ dài hạn. Ứng dụng này sẽ giúp cho người học gia cố những phần kiến thức dài hạn ngay trong lúc ngủ để tăng hiệu năng học từ vựng.
Đội Powerify với ý tưởng học từ vựng tiếng Anh trong lúc ngủ đạt giải Ba.
Powerify được đánh giá cao về ý tưởng độc đáo, sáng tạo và xuất sắc giành giải Ba.
Virtual Book giành Topica Award
Virtual Book xây dựng một nền tảng cho phép mọi người chia sẻ nội dung bài giảng dưới dạng 3D. Nội dung này có thể xem được trên thiết bị Ipad hoặc trên các thiết bị 3D như Oculus Rift, Hololens và Magic Leap. Đây là sản phẩm của đội JustDoIt với 4 thành viên: Nguyễn Mậu Quang Vũ, Ngô Ngọc Trường Hân, Trần Vĩnh Nghĩa và Phạm Đức Huy. Với Topica Award, 4 chàng trai nhận được một chiếc Oculus trị giá 1.000 USD cũng như nhiều học bổng từ Topica Native và Topica Founder Institute.
Đội JustDoIt với ứng dụng Virtual Book đoạt giải Topica Award.
Hackathon chính là một trong những bí quyết để các “ông trùm” công nghệ như Google và Facebook liên tục phát triển và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ít ai biết rằng nút Like và chức năng Chat của Facebook (Facebook Message) đều là sản phẩm của những cuộc thi Hackathon. Mark Zuckerberg - CEO Facebook - nhận định cho biết: “Hackathon là một trong những cách để nảy ra ý tưởng mới tại Facebook. Tôi thường thích nhìn các kỹ sư sáng tạo và rất mong đợi những ý tưởng này được thêm vào dịch vụ của chúng tôi”. Facebook cũng cho biết, họ rất quan tâm đến sự phát triển của giới công nghệ tại Việt Nam những năm gần đây và đề cao các cuộc thi sáng tạo được tổ chức thường xuyên như Hackathon.
Phát biểu tại cuộc thi, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc hoạch định chiến lược và phát triển toàn cầu của Facebook nhận định: “Việt Nam có nhiều “diễn viên” giỏi về công nghệ nhưng ít sân chơi để những diễn viên này thể hiện. Việc Hackathon được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ mở ra một sân chơi thực sự mới và hiệu quả cho giới công nghệ.”
Hy vọng rằng, những ứng dụng mới lạ, độc đáo từ các kỹ sư trẻ Việt sẽ được phát triển, ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải tiến cuộc sống con người nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng.
Edtech Asia Hackathon 2016 là cuộc thi lập trình công nghệ trong lĩnh vực giáo dục lớn nhất Đông Nam Á do Topica và Edtech Asia đồng tổ chức. Chương trình được tài trợ bởi Facebook và Google; đồng hành tổ chức và truyền thông gồm có Up, Topdev, vLance, FreelancerViet, Appota, Chimkudo. Website: http://hackathon.topica.asia/ |
Natalie