4 năm đạt loại giỏi, nữ sinh vẫn xin mẹ đăng ký học giáo dục thường xuyên
(Dân trí) - Chị Nguyễn Thanh Huyền (Long Biên, Hà Nội) cho biết, con gái đạt học lực giỏi 4 năm liền vẫn bị áp lực khi ngày thi cận kề.
Mai Anh - con gái chị Nguyễn Thanh Huyền - có 4 năm liền là học sinh giỏi, luôn nằm trong tốp 5 học sinh đứng đầu lớp. 3 lần thi thử tại trường, Mai Anh đạt 42-43 điểm. Nữ sinh đăng ký nguyện vọng 1 là Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, nguyện vọng 2 Trường THPT Cao Bá Quát.
"Hai tuần trở lại đây, kể từ khi nộp đơn đăng ký dự thi, con có biểu hiện căng thẳng, thường xuyên nói với mẹ nửa đùa nửa thật: "Mẹ cho con đăng ký học giáo dục thường xuyên", "Nếu con có học giáo dục thường xuyên mẹ đừng sốc nhé"", chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền cho biết thêm, Mai Anh đi học về là ngủ mê mệt, 8-9h tối mới dậy ăn cơm rồi học tiếp đến 1h sáng. Nữ sinh liên tục bị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, thi thoảng kêu đau bụng không rõ nguyên nhân. Chị Huyền cho rằng con bị áp lực nên thể chất cũng ảnh hưởng theo.
"Ở Long Biên không có nhiều trường tư thục tốt như các khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Do đó, áp lực vào công lập với các con ở đây dường như lớn hơn học sinh các khu vực khác", chị Huyền bày tỏ.
Cùng tâm sự, chị Hoàng Thị Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội) lo lắng khi con gái tụt hạng trong đợt thi thử lần 3 do đau dạ dày sát giờ thi. Hai lần thi trước, con chị đạt 39,5-40 điểm. Song, lần thi gần nhất, mức điểm chỉ còn 36.
"Con có lực học tốt, 4 năm liền đều đạt loại Giỏi. Giáo viên cũng bất ngờ khi điểm thi thử của con quá thấp so với khả năng.
Bác sĩ cho biết con bị căng thẳng tâm lý dẫn tới đau dạ dày cấp tính, cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Song, chỉ còn 3 tuần nữa là tới ngày thi, con muốn nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn cũng không thể. Tôi không biết làm gì ngoài việc tẩm bổ cho con và động viên con thả lỏng tinh thần", chị Lan Anh nói.
Thời gian biểu của con chị Lan Anh bắt đầu từ 6h30 và kết thúc vào 24h. Sáng và chiều, nữ sinh học chính khóa và học tăng cường ở trường. Ngoài ra, cháu học thêm bên ngoài 5 buổi/tuần gồm 1 buổi ngữ văn, 2 buổi toán và 2 buổi tiếng Anh. Mục tiêu của cháu là đỗ vào Trường THPT Xuân Đỉnh.
Cô Nguyễn Mai Trang, giáo viên ngữ văn tại Hà Nội, cho biết, tình trạng căng thẳng tâm lý của học sinh ở chặng nước rút kỳ thi lớp 10 công lập khá phổ biến.
Áp lực từ cường độ ôn tập cao, mong muốn vào được trường tốp, sợ xấu hổ với bạn bè nếu trượt nguyện vọng 1, thời gian nghỉ ngơi không đủ… khiến nhiều học sinh sa sút thể chất lẫn tinh thần.
"Áp lực thi cử là điều không thể tránh. Về mặt tích cực, áp lực giúp các em cố gắng hơn để đạt mục tiêu đề ra. Về mặt tiêu cực, áp lực khiến các em mất phương hướng, học tập không hiệu quả, ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe lâu dài.
Do vậy, giáo viên và phụ huynh cần thường xuyên sát sao, quan tâm tới các con, động viên tinh thần và có biện pháp giải tỏa tâm lý phù hợp.
Tôi biết nhiều học sinh bố mẹ rất tâm lý, rất yêu thương, nhưng chính các em tự tạo áp lực với chính mình vì từ nhỏ tới lớn lúc nào cũng đạt thành tích cao, hay đứng đầu lớp. Đối mặt với kỳ thi này, các em sợ thất bại dẫn tới lo lắng, căng thẳng quá mức.
Những trường hợp này, thầy cô, cha mẹ phải hết sức lưu tâm, giúp các em mở rộng mục tiêu, hạ thấp lòng kỳ vọng, cho phép mình có cơ hội làm sai, cơ hội thất bại và hiểu được rằng thất bại tại một thời điểm không liên quan tới giá trị của bản thân mình.
Học tập là suốt đời. Tôi vẫn nói với học sinh của mình, con đường học tập không phải đại lộ Thăng Long, không đường ngang lối rẽ, mà giống như phố cổ Hà Nội vậy. Để đi từ chợ Đồng Xuân tới Bờ Hồ, nhanh nhất là đi hàng Ngang, Hàng Đào. Nhưng ta vẫn có thể rẽ sang Hàng Mã, ngược về Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Gai để đến đích.
Chúng ta hãy cố gắng giúp con trẻ vẽ một bản đồ nhiều con đường đi tới mục tiêu", cô Trang đưa ra lời khuyên.