38 cụm thi quốc gia: Tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kì thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi, với kĩ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước.


Kỳ thi THPT quốc gia: Các thí sinh đều cùng làm một đề
thi theo định hướng đánh giá năng lực.

Kỳ thi THPT quốc gia: Các thí sinh đều cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực.

38 cụm thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng xét tuyển ĐH,CĐ. Các cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp. Cụm thi này tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Bộ GDĐT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt kì thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao. Đặc biệt, đối với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kì thi.

Các giải pháp kĩ thuật sẽ được tăng cường, trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lí thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lí kết quả thi.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ không phân biệt thí sinh thi tại cụm thi nào, các thí sinh đều cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện tượng dùng “phao thi”.

Hà Nội: Đại học lên phương án chuẩn bị đón thí sinh

Tại cụm thi Hà Nội, có 8 điểm thi do trường đại học tổ chức. Hà Nội dự kiến có khoảng 100.000 thí sinh dự thi cùng với thí sinh 5 tỉnh về nên dự kiến số lượng thí sinh về Hà Nội thi cũng rất đông.

Là đơn vị phối hợp với các trường ĐH tổ chức 8 cụm thi, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc bố trí học sinh dự thi theo cụm như thế nào còn phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT. Việc phân chia theo địa bàn sẽ được tính đến để thí sinh ít phải di chuyển nhất.

Những trường đại học mà Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm thi đều là những trường có cơ sở vật chất tốt, có kinh nghiệm tổ chức thi tốt từ nhiều năm nay như trường ĐH Thủy lợi năm nay được Bộ giao tổ chức thi cho 25.000 thí sinh, trường ĐH Kinh tế quốc dân được Bộ giao tổ chức thi cho khoảng 15.000 thí sinh…

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là một trong các cụm thi lớn, được bộ giao tổ chức thi cho khoảng 35.000 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm cho biết: “Trước đây thí sinh thi vào trường khoảng 16.000 nay Bộ GD-ĐT giao cho chúng tôi chủ cụm thi khoảng 35.000 thí sinh, tuy sẽ phức tạp hơn cả về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ quan trọng từ Sở GD-ĐT Hà Nội. Hiện nhà trường đã lên phương án tổ chức, các giải pháp giải quyết khó khăn khi tổ chức cụm thi”.

GS Minh cho hay, năm nay, đội ngũ cán bộ coi thi của trường có thể tăng gấp 3 các năm trước. Để bổ sung cho đội ngũ coi thi, nhà trường sẽ điều động đội ngũ học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm thứ ba; cùng đó tăng thành phần cán bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh ký túc xá đảm bảo chỗ ở cho 2.400 người, Trường ĐH Sư phạm cũng đã liên hệ với Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thương mại, Học viện Báo chí Tuyên truyền - những cơ sở đều có KTX để lo chỗ ở cho thí sinh.

Thành lập Ban chỉ đạo thi quốc gia và cấp tỉnh

Theo Quy chế thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và các Hội đồng thi, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi; Báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT và các cấp có thẩm quyền về tình hình tổ chức kỳ thi. Nếu phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi, có thể trình Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Trưởng ban là lãnh đạo UBND tỉnh; Phó Trưởng ban là Hiệu trưởng trường ĐH hoặc Giám đốc sở GDĐT chủ trì cụm thi; lãnh đạo sở GDĐT các tỉnh có thí sinh dự thi tại cụm thi; lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh nơi đặt cụm thi; trong đó, Phó Trưởng Ban thường trực là Thủ trưởng đơn vị chủ trì cụm thi…

Với các Hội đồng thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu lập danh sách thí sinh dự thi và sắp xếp phòng thi. Mỗi Hội đồng thi có một mã số riêng và được thống nhất trong toàn quốc.

Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của Hội đồng thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.

Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.

Trong mỗi phòng thi có Danh sách ảnh của thí sinh. Trước cửa phòng thi, phải niêm yết Danh sách thí sinh trong phòng thi của từng buổi thi và quy định trách nhiệm thí sinh theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia.

Bộ GDĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh trong kỳ thi, phân phối dữ liệu liên quan cho các sở GDĐT để xét tốt nghiệp THPT và cho các trường ĐH, CĐ, TC để làm căn cứ tuyển sinh.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm