372 học sinh dự cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia

(Dân trí) - Sáng 1/3, tại Vĩnh Phúc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khai mạc cuộc thi khoa học cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc. Đây là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT tổ chức trên diện toàn quốc. Năm nay số lượng đề tài và thí sinh dự thi tăng vọt.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn quốc có đến 55 đơn vị đăng ký tham gia. Khu vực phía Bắc có 30 đơn vị, trong đó có 28 tỉnh và 2 trường THPT là Vùng cao Việt Bắc và Chuyên ĐH khoa học Tự nhiên Hà Nội. Khu vực phía Bắc có 166 đề án dự thi, trong đó cấp THPT là 122 đề án, cấp THCS là 44 đề án. Các đề án tham gia dự thi thuộc 15 lĩnh vực và 7 nhóm lĩnh vực. Tổng số có 371 học sinh là tác giả các đề án, trong đó cấp THPT có 277 học sinh, cấp THCS có 94 học sinh. Tổng số giáo viên hướng dẫn các dự án thi là 221 người.
 
Như vậy so với năm trước số đơn vị tham gia tăng thêm 5, số đề án dự thi tăng gần gấp đôi.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2014 tăng vọt cả về số lượng
Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2014 tăng vọt cả về số lượng lẫn chất lượng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc tổ chức cuộc thi khoa học cho học sinh trung học là nhằm thực hiện một cách sáng tạo yêu cầu của Nghị quyết trung ương lần thứ 8 về đổi mới căn bản, toàn diện và khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh của chúng ta.

Học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn đối với các hiện tượng xảy ra trong nhà trường, xã hội, đất nước... Việc dạy các em bây giờ không chỉ có thầy cô giáo ở bậc phổ thông mà còn có cả các nhà khoa học, giảng viên trường ĐH… tham gia hướng dẫn các em nghiên cứu khoa học. Như vậy chúng ta thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết đó là hướng học sinh phổ thông tiếp cận nghề nghiệp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông. Các em học sinh được phát triển năng lực xã hội, được rèn luyện phương pháp tự học để các em được tiếp tục học lên bậc cao hơn, có chất lượng hơn”.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, cuộc thi cũng góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nhà trường phổ thông.

Thông qua tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật và tham gia các cuộc thi cấp địa phương và cấp quốc gia, trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật nói riêng của một bộ phận giáo viên được nâng cao. Góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp và các hình thức giáo dục tích cực trong nhà trường phổ thông. Thông qua cuộc thi, không chỉ các học sinh có dự án dự thi mà nhiều học sinh khác đã có thêm những động lực mới cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, cuộc thi đã tạo môi trường tốt cho học sinh vận dụng các kiến thức đã học và thúc đẩy thực hành tiếng Anh.

Cuộc thi đã trở thành một hội chợ thực sự về những ý tưởng khoa học kỹ thuật.
Cuộc thi đã trở thành một hội chợ thực sự về những ý tưởng khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tăng cường mối liên hệ giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh phổ thông khai thác các nguồn lực trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục phổ thông: cha mẹ, người thân của học sinh tham gia hướng dẫn khoa học; các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo cơ hội cho các nhà khoa học và doanh nghiệp có mối liên hệ để thúc đẩy các ứng dụng khoa học vào thực tiễn.

Trong chiều và tối 1/3, Ban giám khảo sẽ làm việc tích cực để lựa chọn 20 đề án xuất sắc lọt vào vòng chung khảo. Sáng 2/3 sẽ tiến hành phỏng vấn học sinh về các đề tài lọt vào vòng chung khảo để lựa chọn ra các giải nhất, nhì, ba của từng lĩnh vực cũng như giải chung cuộc cuối cùng. Những đề tài được giải cao sẽ được Bộ GD-ĐT lựa chọn đi tham dự cuộc thi intel isef quốc tế tổ chức tại Mỹ đầu tháng 5 tới.

S.H