35 Thủ lĩnh trẻ Việt Nam tham gia đối thoại với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với 500 Thủ lĩnh trẻ của khu vực Đông Nam Á tại Đại học Taylor, Kuala Lumpur, Malaysia. Phạm Hoàng Mẫn, cựu sinh viên Đại học Tân Tạo là một trong 35 Thủ lĩnh trẻ xuất sắc đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam là gương mặt tuổi trẻ thành đạt trên toàn thế giới đã được mời tham dự.
Buổi đối thoại này là một phần của Hội nghị thượng đỉnh “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á 2015 - YSEALI” diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua. Vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Phạm Hoàng Mẫn – Cựu Sinh viên Đại học Tân Tạo – đã có cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi về chuyến đi vừa qua.
Bạn có thể cho biết lý do vì sao bạn được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tại Malaysia?
Phạm Hoàng Mẫn: Em được Ông Richard Stengel - Thứ trưởng Ngoại giao Ngoại giao Hoa Kỳ mời tham dự Hội nghị vì có những thành tích xuất sắc khi tham gia chương trình YSEALI tại Mỹ.
Phạm Hoàng Mẫn (trái) và ông Richard Stengel - Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cùng 1 thành viên đoàn Việt Nam.
Các hoạt động Hội nghị tập trung vào những vấn đề gì?
Phạm Hoàng Mẫn: Hội nghị tập trung vào các vấn đề nóng bỏng của khu vực Đông Nam Á như: Tình trạng không minh bạch trong các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp; Buôn người; Di cư dưới nhiều dạng như hợp tác lao động, hôn nhân giả, bảo lãnh con nuôi; Chảy máu chất xám; Bình đẳng trong giáo dục; Xoá bỏ định kiến về tôn giáo, sắc tộc để tiến tới xây dựng một khu vực ASEAN bền vững; Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ mội trường...
Bên cạnh những giờ thảo luận chính tại Hội nghị, em còn tham gia các chương trình về: Lãnh đạo trong thế kỷ 21 – Chia sẻ các giá trị; Nghệ thuật thuyết phục; Gây quỹ cho các chiến dịch chính trị.
Phạm Hoàng Mẫn tại Malaysia.
Bạn có thể chia sẽ về những gì đã học được tại Mỹ không?
Phạm Hoàng Mẫn: Người Mỹ rất tôn trọng tính cá nhân, nhưng khi làm việc nhóm thì họ hợp tác rất tốt. Người Mỹ dạy sinh viên tính thực tế trong kinh doanh, khuyến khích sáng tạo trong học tập và nghiên cứu. Em còn học được về kĩ năng lãnh đạo, khuyến khích đồng đội của mình phát triển, huấn luyện thế hệ đi sau và truyền cảm hứng cho người khác.
Chủ tịch Đại học Bắc Illinois - ông Doug Baker chào mừng học viên Việt Nam.
Bí quyết của bạn để giành học bổng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là gì?
Phạm Hoàng Mẫn: Học bổng này không giới hạn số lượng cho mỗi quốc gia Đông Nam Á. Phẩm chất của mỗi cá nhân và những đóng góp cho cộng đồng sẽ quyết định bạn có được chọn hay không và tiếng Anh là điều quan trọng nhất, điều này thì em đã được trang bị rất tốt khi học tại Trường Đại học Tân Tạo.
Bạn sẽ phải viết một bài luận bằng tiếng Anh nói về những đóng góp của bạn cho cộng đồng. Các bài giảng sẽ hoàn toàn bằng tiếng Anh, bạn phải thực sự thành thạo ngôn ngữ này để còn tham gia thảo luận, làm báo cáo bằng tiếng Anh. Học bổng không yêu cầu bạn phải có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh, nhưng trình độ tiếng Anh của bạn sẽ được kiểm chứng bởi Đại sứ Quán và Lãnh sự Quán Mỹ.
Bạn có gặp phải khó khăn khi hòa nhập cùng các bạn trẻ Đông Nam Á khác không?
Phạm Hoàng Mẫn: Khi hòa nhập với môi trường quốc tế thì rào cản lớn nhất là ngôn ngữ và văn hóa. Đại học Tân Tạo không chỉ trang bị cho sinh viên tiếng Anh tốt mà còn là môi trường giáo dục đa văn hóa, sinh viên được tiếp xúc với giảng viên đến từ nhiều quốc gia, chủ yếu là từ Mỹ nên không khó khăn đối với em ngay trong bước đầu hòa nhập.
Bạn có kỷ niệm vui nào về chuyến đi vừa rồi không?
Phạm Hoàng Mẫn: Dạ có! Khi sống cùng các bạn trong khối ASEAN em mới biết nước nào cũng có bài “Con bướm vàng.” Có một lần em hú hồn vì báo động có đánh bom, nhưng thực ra là do sinh viên trốn thi bày ra, thế mới thấy sinh viên Việt Nam còn rất “ngoan” ạ!
Được biết Phạm Hoàng Mẫn Mẫn là 1 trong 3 đại diện cho Việt Nam trong tổng số 21 ứng viên trong khối ASEAN dành được học bổng toàn phần học tập tại Mỹ vào cuối tháng 9 năm 2015, chương trình bao gồm 1 khóa học tại Đại học Bắc Illinois (NIU) về “trách nhiệm công dân”.
Bà Maria "Rai" Nihei - Giám đốc hành chính Đại học Bắc Illinois (NIU) cho biết: "Các học viên YSEALI được thực sự hòa nhập vào mới môi trường đại học của NIU. Các học viên còn có cơ hội gặp gỡ và đặt những câu hỏi cho những nhà làm luật. Họ rất thích thú khi hiểu biết thêm về quá trình, sự phức tạp trong việc làm luật cũng như quản lý nhà nước tại Mỹ".
Lê Chi