3 yếu kém của giáo dục ĐH Việt Nam
(Dân trí) - Đó là 3 vấn đề trong các ngành Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Điện - Điện tử - Viễn thông và Vật lý tại một số trường ĐH Việt Nam mà các đoàn khảo sát thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ công bố hôm 3/8.
Khảo sát do 5 GS Mỹ đến từ các trường ĐH hàng đầu của Mỹ là ĐH Cornell, Harvard, Syracuse, Drexel và Học viện Hải quân Hoa Kỳ thực hiện
Khảo sát được thực hiện dưới sự bảo trợ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) - một cơ quan hoạt động độc lập thuộc Liên bang Hoa Kỳ. Dự án này còn được gọi là Dự án giáo dục đại học của VEF, được thực hiện theo đề nghị của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khi đó là Phó chủ tịch UBND TPHCM.
Mục đích của Dự án là hỗ trợ các nhà lãnh đạo và quản lý của bậc giáo dục đại học trong các nỗ lực nhằm nâng cao chương trình đào tạo, phương pháp sư phạm, và đưa ra các nhận định về các ngành khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam.
Sau khi kết thúc các chuyến khảo sát ở thực địa từ tháng 5/2006 đến nay tại 4 trường ĐH Việt Nam (Tên các trường ĐH tham gia được giữ kín nhằm tạo điều kiện cho các trường cung cấp những thông tin một cách cởi mở và chân thật hơn) hai đoàn chuyên gia đa ngành của Hoa Kỳ đã đưa ra 3 yếu kém mà giáo dục đại học ở Việt Nam cần thay đổi.
1. Môn học và chương trình đào tạo lỗi thời
Phương pháp giảng dạy còn diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ một cách máy móc, giao ít bài tập về nhà, ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên. Trang thiết bị và nguồn lực chưa đầy đủ. Quá nhiều môn học (trên 200 tín chỉ để tốt nghiệp). Quá nhiều yêu cầu mà ít sự lựa chọn.
Nội dung của mỗi môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời. Đặc biệt, ít dạy về các khái niệm và nguyên lý, quá nhấn mạnh vào kiến thức dữ kiện và kỹ năng.
Sự mất cân đối giữa các giờ học lý thuyết (khái niệm và nguyên lý, nhấn mạnh quá nhiều vào các kiến thức dữ kiện) và giờ học thực hành/áp dụng (thực hành phòng thí nghiệm hay các kinh nghiệm thực tế).
Thiếu các kỹ năng nghề nghiệp thông thường như làm việc nhóm, giao tiếp và viết bằng tiếng Anh, quản lý dự án, phương pháp giải quyết vấn đề, sáng kiến tích cực, học tập suốt đời; Thiếu tính linh hoạt trong việc chuyển tiếp giữa các ngành học. Các môn học và chương trình đào tạo được thiết kế mà không dựa trên những mong đợi rõ ràng về kết quả học tập của sinh viên ở đầu ra.
Đặc biệt, hiệu quả nhà trường không được đánh giá dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Kết quả là giảng viên không có nhiều động cơ vì không có nhận được nhiều sự khuyến khích và tưởng thưởng cho sự thay đổi.
2. Giảng viên thiếu đủ trình độ
Đối với giảng viên đại học thì thiếu đủ trình độ. Sự chuẩn bị về học thuật cho các giảng viên còn ở trình độ thấp. Thiếu các kỹ năng trong nghiên cứu và thực hành giảng dạy hiện đại; Thiếu các kiến thức cập nhật về chuyên ngành bao gồm nội dung chương trình đào tạo và nội dung các môn học. Làm việc quá nhiều mà lương lại thấp dẫn đến việc thiếu thời gian cần thiết để chuẩn bị giáo án, tiếp xúc với sinh viên và nghiên cứu.
Không có sự khuyến khích đối với giảng viên trong việc nâng cao kỹ năng giảng dạy, chất lượng môn học, chương trình đào tạo, và khả năng nghiên cứu vì sự đề bạt và tăng lương thường dựa vào khối lượng giảng dạy và thâm niên, không dựa trên thành tích, khả năng hoặc thành tích nghiên cứu.
3. Ít có cơ hội cho các tiến sĩ ra nước ngoài học tập
Đối với giáo dục và nghiên cứu sau đại học: Ít có cơ hội cho các tiến sĩ đã được học tập ở nước ngoài, tiếp tục nghiên cứu hoặc ứng dụng các phương pháp giảng dạy khi trở về Việt Nam. Tuyển giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp của chính trường mình, do đó làm cản trở môi trường nghiên cứu năng động. Tách các viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm ra khỏi các khoa giảng dạy, do đó làm giảm thiểu cơ hội cho các giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu. Thiếu sự phối hợp kết quả học tập của sinh viên ở các cấp độ trường, khoa, chương trình đào tạo và môn học.
Chất lượng chương trình đào tạo và môn học không dựa vào sự đánh giá học tập của sinh viên. Thiếu cơ sở hạ tầng nghiên cứu cấp trường.
Sau đợt khảo sát, các GS Mỹ sẽ đưa các giải pháp về những tồn tại yếu kém trên với Bộ GD-ĐT.
Hồng Hạnh