3 tháng tuyển 100 giảng viên: Đối phó tích cực!

(Dân trí) - Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Sau đợt đình chỉ tuyển sinh thực hiện cuối năm 2011, năm nay có trường chỉ trong vòng 3 tháng đã tuyển dụng hàng trăm giảng viên”.

Để đối phó với đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT trong quý I/2012 về việc thực hiện cam kết theo đề án thành lập trường ĐH, CĐ, nhiều trường đã nhanh chân tìm mọi cách tuyển giảng viên (GV) lấp chỗ trống tránh hình phạt của Bộ.
 
Trong 38 trường ĐH,CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa kiểm tra, chỉ có 1 trường bị dừng tuyển sinh và 5 ngành của 5 trường bị đình chỉ tuyển sinh. Lý do, lớn nhất của các trường là tỉ lệ SV/GV quá cao. Điển hình là trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội, 93 SV mới có 1 GV và chưa có đất xây dựng trường; ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Thành Tây phát triển quá “nóng” có tới 423 SV/GV.

Có kiểm tra mới biết vì hầu hết các trường hiện nay đều ra sức quảng bá những hình ảnh đẹp nhất và thực hiện 3 công khai cũng chỉ là hình thức đối phó.

Rút kinh nghiệm từ đợt kiểm tra cuối năm 2011, nhiều trường ĐH, CĐ còn thiếu về GV đã nhanh chân tìm mọi cách để đối phó với đợt kiểm tra tiếp theo của Bộ trong quý I/2012. Ông Nguyễn Huy Bằng Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Sau đợt đình chỉ tuyển sinh thực hiện cuối năm 2011, năm nay có trường chỉ trong vòng 3 tháng đã tuyển dụng hàng trăm GV”.

Do vậy, nhiều trường đã "thoát thân" trong đợt kiểm tra này bởi họ biết rằng Bộ kiểm tra để chấn chỉnh, để uốn nắn, bên cạnh đó cũng có hướng dẫn giúp đỡ các trường chứ không phải kiểm tra để xử phạt.

Dù là hình thức đối phó của các trường nhưng theo Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng thì đó là dấu hiệu tích cực, bởi trước kia các trường không quan tâm đến việc tuyển dụng GV theo quy định, còn nay thì rất quan tâm.

Mong các trường quan tâm tới chất lượng là điều đáng mừng của lãnh đạo quản lý ngành giáo dục nhưng với hình thức đối phó này sẽ kéo dài bao lâu nữa? Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa” với ý chí và quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.

GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, cơ chế quản lý giáo dục theo lối cũ kiểu hành chính, mệnh lệnh cần được thay bằng cơ chế quản lý giáo dục mới, quản lý theo chất lượng. Cần chuyển nhận thức quản lý giáo dục chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý chủ yếu bằng pháp luật.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm