Kết quả kiểm tra 24 trường ĐH, CĐ
Thiếu tiến sỹ do giảng viên... đột tử
(Dân trí)- Khi Bộ GD-ĐT kiểm tra các trường về việc tại sao nhiều ngành không có tiến sỹ mà vẫn mở ngành, các trường đưa rất nhiều lý do như giảng viên chuyển trường, thậm chí có trường viện lý do là giảng viên… đột tử - ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ cho hay.
Cụ thể, 12 ngành của 4 trường đại học bị đình chỉ tuyển sinh do chưa có GV cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ như trường Trường ĐH Chu Văn An có 4 ngành là Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học; Trường ĐH Lương Thế Vinh, 4 ngành là Công nghệ Kỹ thuật điện - điện tử; Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện; Trường ĐH Nguyễn Trãi, có 2 ngành là Kỹ thuật xây dựng công trình, Kinh tế và trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có 2 ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh do chưa có GV cơ hữu có trình độ tiến sỹ.
Về vấn đề tại sao nhiều ngành không có tiến sỹ mà vẫn được mở ngành đào tạo, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Khi chúng tôi kiểm tra các trường thì có giải thích, khi mở ngành thì có GV là tiến sĩ. Nhưng kiểm tra việc thực hiện cam kết thì các trường đưa rất nhiều lý do. Có trường đưa lý do, lúc đầu họ vào sau đó chuyển trường khác. Cũng có trường trình bày rất lâm li là - đến nay, chúng tôi không có tiến sĩ nào vì lúc mở ngành có tiến sĩ nhưng sau đó chết đột tử - Đó là lý do khách quan nhưng chúng tôi cho rằng có thể họ chưa thu hút được giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bản thân các trường cũng chưa có uy tín”.
Qua kiểm tra 24 trường ĐH,CĐ cho thấy thời gian qua quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học còn quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nhiều trường coi thường chất lượng chạy theo lợi nhuận bất chấp quy định của nhà nước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Không có qui định nào cho phép các trường tăng qui mô đến mức 70-80 SV/GV cơ hữu. Cũng không có qui định nào cho phép ngành đào tạo đại học mà tất cả GV chỉ có trình độ đại học. Đợt kiểm tra này là nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong dục đại học, chấn chỉnh những lệch lạc, đưa hoạt động của các trường vào nề nếp. Chúng ta không thể chạy theo số lượng mà quên đi các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Thứ trưởng Ga khẳng định: “Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đã xác định đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá mang tính chiến lược để phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Vì vậy việc kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo là việc làm thường xuyên trong toàn ngành".
Hồng Hạnh