“3 không” trong kỳ thi tuyển sinh Đại học 2006
(Dân trí) - Không để xảy ra thắc mắc, không chấm máy móc và không để lọt lưới gian lận là “3 không” trong việc ra đề thi và chấm thi vừa được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT công bố khi chỉ còn hơn hai tuần nữa, kỳ thi ĐH sẽ bắt đầu.
1. Không để xảy ra thắc mắc
Ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng Internet toàn bộ đề thi, đáp án, thang điểm và hướng dẫn chấm đối với tất cả các đề thi tuyển sinh dùng chung trong hai đợt thi đại học những năm trước để thí sinh có điều kiện tự kiểm tra, đánh giá.
Năm nay, ban ra đề thi sẽ gồm khoảng 70 người với phần lớn trong đó là các giáo viên THPT giỏi của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Các môn văn hoá ra theo phương pháp tự luận, các môn ngoại ngữ ra theo phương pháp trắc nghiệm.
Mục tiêu của Cục Khảo thí đề ra trong việc ra đề thi năm nay là tuyệt đối không để xảy ra thắc mắc về đề thi đối với thí sinh.
2. Không chấm máy móc
Ngay sau khi kết thúc mỗi môn thi, đáp án của môn thi sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet. Tuy nhiên, đáp án được công bố công khai đó chỉ là một trường hợp giải cơ bản nhất, thông thường như sách giáo khoa để người chấm đối chiếu. Cục Khảo thí yêu cầu người chấm không được hoàn toàn căn cứ trên đáp án này để chấm máy móc, chấm theo kiểu cơ học.
Ví dụ như đối với những môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, có thể có những thí sinh có những cách giải theo những trình tự khác thì vẫn được điểm theo thang điểm quy định trong điều kiện bài làm của thí sinh phải diễn đạt có lý, đúng và hợp logic.
Riêng với môn Văn, Cục nhấn mạnh nguyên tắc chấm phải tôn trọng bài làm của thí sinh, so với đáp án thì thí sinh đạt được bao nhiêu phần kiến thức và đưa ra được bao nhiêu ý tưởng. Tất cả những cách giải của thí sinh, chỉ cần trong khuôn khổ của chương trình THPT, nếu đúng là vẫn có thể đạt điểm tối đa.
3. Không lọt lưới gian lận
Theo tinh thần Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường trong việc chấm thi thì việc lựa chọn cán bộ chấm thi, bố trí trưởng môn chấm thi, chuẩn bị địa điểm chấm thi, ban hành những văn bản cụ thể hướng dẫn việc chấm thi, tổ chức thảo luận để quán triệt đáp án và thang điểm, tổ chức chấm thử (chấm chung) một số túi bài thi, các khâu dồn túi, xử lý bài thi của những thí sinh vi phạm quy chế theo các biên bản và tang vật đựng trong các túi bài thi, đánh số phách, bốc thăm nhận túi chấm thi, chấm hai lần độc lập, thống kê và xử lý chênh lệch giữa các lần chấm… tuyệt nhiên không được để sai sót.
Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường phải chỉ đạo việc chấm thi theo đúng quy trình 2 vòng độc lập tại hai phòng riêng biệt, theo đúng đáp án và thang điểm đã được các cấp có thẩm quyền xét duyệt. Các trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT phải hoàn thành việc chấm thi trước ngày 15/8/2006.
Mặt khác, Cục cũng yêu cầu các trường phải thực hiện việc nâng cao trách nhiệm cho người chấm. Quy trình chấm phải đọc bài và đánh giá để phát hiện ra những bài làm có dấu hiệu quay cóp mà trong quá trình thi, giám thị đã không phát hiện ra để không lọt lưới gian lận.
Mai Minh - Hồng Hạnh