256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Không nên… “đánh úp”, “vắt chanh bỏ vỏ”

(Dân trí) - Bàn về vụ việc 256 giáo viên hợp đồng cả cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có nguy cơ mất việc, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta phải bàn kỹ và có giải pháp “hợp tình, hợp lý”, không thể “ngang bằng sổ thẳng” hay “đánh úp” vì giáo dục đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

256 giáo viên cấp tiểu học và THCS ở Sóc Sơn (Hà Nội) đang đồng loạt kêu cứu vì có nguy cơ phải ra khỏi ngành sau hàng chục năm công tác trong ngành.

Theo đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, 256 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn cho biết, sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn kí hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Đến nay, đã có người công tác trong ngành giáo dục của huyện gần 30 năm. Lần thi tuyển viên chức này với họ được xem như một cuộc thi “khốc liệt” ở tuổi 40, 50 khiến nhiều người khóc ròng.

Nhiều giáo viên hợp đồng từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, thầy cô hoang mang lo lắng rằng trong kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, trong số họ sẽ khó có thể đỗ vì họ có tuổi rồi, rất khó cạnh tranh với những ứng viên trẻ tuổi với chương trình đào tạo mới. Nếu không đỗ, họ sẽ phải ra khỏi ngành.

256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Không nên… “đánh úp”, “vắt chanh bỏ vỏ” - 1
Giáo viên hợp đồng thi trượt hoặc không dự thi kỳ thi viên chức lần này sẽ bị cắt hợp đồng (nguồn ảnh: Vov).

"Bây giờ mất việc, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy. Con người trải qua khổ đau thời trẻ, đến thời hậu vận, trung vận chúng tôi lại gánh rất nhiều nỗi khổ, nhất là khổ tâm vì nghề", một giáo viên ngậm ngùi chia sẻ.

Không nên “vắt chanh bỏ vỏ”

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta không nên xử lý kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” vì như vậy không có tính chất nhân văn, nhân ái. Nhiều giáo viên hợp đồng đã cống hiến thực sự, họ là giáo viên giỏi, giáo viên mũi nhọn với những thành tích trong sự nghiệp giáo dục. Có lẽ, khó khăn e ngại lớn nhất đối với họ khi đối diện với kỳ thi tuyển viên chức sắp tới là trình độ ngoại ngữ và khả năng tin học.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc giảng dạy hiện nay rõ ràng cần yêu cầu về ngoại ngữ nhưng có thể nó chưa phải là tất cả vì nước ta không phải nước toàn dân nói tiếng Anh. Vậy nếu kỳ thi tuyển viên chức, chúng ta đặt ra yêu cầu cao về ngoại ngữ rồi gạt người ta ra khỏi ngành thì chưa hợp lý. Nếu áp đặt cơ chế một cách máy móc thì sẽ làm nhiều người khổ sở, họ mất “bát cơm” nuôi sống gia đình… Như vậy, những người làm chính sách thử hỏi có vui?

256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Không nên… “đánh úp”, “vắt chanh bỏ vỏ” - 2
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vụ việc này người làm chính sách phải có giải pháp hợp tình hợp lý, tránh “vắt chanh bỏ vỏ”.

“Ngành giáo dục không phải cứ có cái gì thì rộp phát làm ngay, độp cái làm ngay. Với kỳ thi viên chức, nếu giáo viên hợp đồng lâu năm thiếu gì thì có thể mở lớp bồi dưỡng thêm cho họ. Họ mạnh về kinh nghiệm nhưng thiếu về sự cập nhật ngoại ngữ, tin học. Hoặc đối với những người cao tuổi có thể sắp xếp cho họ công việc trong ngành phù hợp; hoặc cũng có có thể cho họ thi đề riêng, nhẹ nhàng hơn đối tượng khác về yêu cầu ngoại ngữ. Họ có kinh nghiệm mạnh để bù đắp điểm yếu hơn này. Như vậy có lẽ thầy cô đều vui vẻ cả”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Ông Nhĩ cho rằng, dùng thi công chức với những tiêu chí mới để loại những thầy cô lâu năm chưa cập nhật kiến thức mới là giải pháp quá đơn giản. Làm “sòng phẳng” như vậy, rất có thể chúng ta sẽ loại mất những thầy cô tâm huyết, mũi nhọn, giàu kinh nghiệm và yêu nghề. Đối với vụ việc này, người làm chính sách phải nghĩ cho các thầy cô lau năm, tránh áp dụng biện pháp máy móc, cơ học dẫn đến họ mất việc.

“Trong sự việc này, chúng ta phải bàn kỹ và có giải pháp nào có tình có lý, không thể “ngang bằng sổ thẳng” vì mình đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Chẳng hạn, nhiều trường hiện nay nhận sinh viên vào trường, nếu sinh viên chưa đủ ngoại ngữ thì trường mở lớp bồi dưỡng thêm. Hoặc như việc áp dụng chính sách cho người dân tộc đi học lớp “dự bị đại học”. Rõ ràng, người dân tộc ít người qua lớp dự bị đại học mới theo kịp chương trình khi vào đại học, bắt người dân tộc thiểu số theo người Kinh làm sao họ theo được?”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ví dụ so sánh.

Lồng ghép cả tiêu chí kiểm tra kiến thức và thâm niên trong kỳ thi viên chức

Bàn về vụ việc, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: “Tôi không rõ lắm tiêu chí kỳ thi tuyển viên chức thế nào nhưng tôi nghĩ, tiêu chuẩn thi phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong tiêu chuẩn thi viên chức, ngoài các tiêu chí liên quan đến chuyên môn thì nên đưa vào tiêu chí thâm niên, kinh nghiệm nghề nghiệp. Vì với những người chưa đi dạy, gọi là “trắng nghề” sẽ khác với người đã tích lũy nghề nghiệp nhiều năm”.

Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thật sai lầm nếu kỳ thi tuyển viên chức chỉ chú ý đến kiến thức, văn hóa mà không đưa vào tiêu chí kinh nghiệm nghề nghiệp.

“Nếu vừa đưa cả tiêu chí chuyên môn kiến thức, vừa đưa tiêu chí kiểm tra thâm niên thì những người cống hiến làm việc lâu năm sẽ có lợi thế hơn về mặt kinh nghiệm thực tế. Ngược lại, những người trẻ mới vào nghề lại có thế mạnh về kiến thức, kỹ năng cập nhật (công nghệ thông tin, ngoại ngữ). Hai tiêu chí đó đều quan trọng và phải hài hòa với nhau. Làm được vậy, kỳ thi sẽ có sự công bằng hơn với mọi đối tượng dự thi”.

Thứ hai, những thầy cô giáo đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nếu không đạt được tiêu chí về kiến thức cập nhật (ngoại ngữ, tin học) thì chớ vội gạt hẳn người ta ra mà nên cho người ta có thời gian (chẳng hạn 1 năm) để củng cố những kiến thức, cập nhật cái mới đó, sau đó cho thi lại. Rõ ràng, trong thực tế vẫn có những thầy cô dạy lâu năm nhưng chất lượng rất kém, chúng ta sàng lọc, thải loại họ ra nhưng vẫn cần cảnh báo, dự báo. Giống như đào tạo tín chỉ bây giờ, không phải điểm trung bình tích lũy sẽ bị buộc thôi học ngay mà có mức độ cạnh báo trước đó, để người ta khắc phục, cố gắng.

“Tôi không thấy thú vị những chuyện cứ "đánh ào", “đánh úp” một cái. Chúng ta phải có trước có sau tính toán hợp tình, hợp lý nhưng cũng không phải dựng chỗ dựa người kém cỏi thực sự bấu víu vào đó.

256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Không nên… “đánh úp”, “vắt chanh bỏ vỏ” - 3
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

Chẳng hạn, việc giảng dạy đặt ra yêu cầu kỹ năng tin học, nếu thầy cô giáo lâu năm không đạt thì có thể tổ chức bồi dưỡng hoặc thông báo tự họ phải học nếu muốn tồn tại. Chương trình mới yêu cầu thầy cô như vậy, không thể nói ngày xưa tôi có học tin học đâu mà giờ lại thi. Chỉ cần cho họ thời gian bồi dưỡng.

Nếu anh không chấp nhận yêu cầu đổi mới thì ra khỏi ngành vì không cái gì vĩnh cửu suốt đời. Ngay cả giáo viên có biên chế cũng nên có kiểm tra trình độ định kỳ, làm như thế để họ hiểu rằng, không phải có biên chế là chắc chân và không phải phấn đấu gì nữa. Tất nhiên, những tiêu chí yêu cầu phải có công bố, dự lệnh để thầy cô có tâm lý chuẩn bị, khắc phục, nếu họ không chịu khắc phục thì ra khỏi ngành, tránh vin vào chuyện “sống lâu lên lão làng”, TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong thời gian vừa qua, một số địa phương trong đó có thành phố Hà Nội vẫn còn tình trạng thực hiện hợp đồng làm các công việc chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập là không đúng các quy định hiện hành. Năm 2015, Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Về việc 256 giáo viên dạy hợp đồng của huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Bộ GD&ĐT đã có trao đổi trực tiếp với Sở GD&ĐT Hà Nội và phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, khuyến nghị với 2 cơ quan nêu trên trong quá trình tuyển dụng giáo viên cần xem xét đến những đóng góp của các thầy cô trong thời gian đã thực hiện hợp đồng tại các cơ sở giáo dục để quyết định phương án tổ chức tuyển dụng phù hợp, nhưng phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành về tuyển dụng viên chức được quy định tại Luật Viên chức, các Nghị định Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Đề cập việc tuyển dụng giáo viên, theo ông Hoàng Đức Minh, từ năm 2010, khi Luật Viên chức có hiệu lực, việc tuyển dụng viên chức (trong đó có giáo viên các cấp) được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ vào các văn bản nêu trên, Bộ GD&ĐT chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập làm căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức và thực hiện giao biên chế viên chức hàng năm (trong đó có giáo viên) cho các địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc tuyển dụng và bố trí, sử dụng viên chức theo quy định.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm