2 câu hỏi “nóng” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Để khắc phục những hạn chế trong thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD -ĐT đang khẩn trương triển khai thực hiện việc ra đề và đưa ra những biện pháp làm giảm những lộn xộn của kỳ thi tốt nghiệp năm trước. Hai câu hỏi “nóng” dưới đây cũng không nằm ngoài vấn đề đó.

Đề thi: Tiếp tục ra theo hướng “học vẹt”?

 

Để chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT chủ yếu do các Sở GD-ĐT triển khai. Bộ GD-ĐT ngoài trách nhiệm chỉ đạo, giám sát chung còn có trọng trách ra đề thi chung cho tất cả các hội đồng thi trên toàn quốc.

 

Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, năm nay, Bộ chủ trương tiếp tục cải tiến khâu ra đề thi, thống nhất quy trình ra đề, chú trọng khâu phản biện độc lập đối với các đề thi dự kiến, khắc phục sự không đồng đều về mức độ của đề thi giữa các môn trong một kỳ thi.

 

Với cách ra đề thi, người làm đề bao giờ cũng đứng trước trăn trở của yêu cầu trái ngược nhau, vừa đảm bảo yêu cầu cơ bản, sát với chương trình và sách giáo khoa, vừa không được ra những câu hỏi học vẹt để học sinh có thể chép đáp án từ trong sách. Quá trình làm đề chúng tôi rất lưu ý và có tranh luận trực tiếp với nhóm ra đề.

 

Tuy nhiên, đối với những môn xã hội như Văn, Sử, Địa thì việc ra đề tránh hiện tượng “học vẹt” là rất khó. Ít nhiều trong đề cũng có chỗ nọ chỗ kia giống trong sách giáo khoa nên học sinh vẫn chuẩn bị tài liệu.

 

Do tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, các đề thi được ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, bao quát chương trình và SGK lớp cuối cấp hiện hành, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi, đảm bảo cho mọi học sinh đủ điều kiện dự thi nếu chăm chỉ, cố gắng đều có thể tốt nghiệp.

 

Lộn xộn thi tiếp tục là vấn đề bỏ ngỏ?

 

Hôm nay 17/5, Bộ GD-ĐT bắt đầu thanh tra thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm 2006 trong 3 ngày (31/5 và 1, 2/6) trong dó lưu ý một số điểm "nóng" như Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh...

 

Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, cán bộ coi thi, chấm thi, thanh tra và kiểm tra. Cùng với đó, rà soát các phương án đảm bảo trật tự, an toàn, kỷ cương cho kỳ thi; Đề phòng các giải pháp phòng chống thiên tai, ách tắc giao thông và kiểm tra các cơ điểm in sao đề...

 

Theo đó, nơi làm đề, sao in đề phải thực hiện 3 vòng cách ly; tất cả mọi người tham gia làm đề thi, in, sao đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác.

 

Tuyệt đối không sao, in và sử dụng đề thi dự bị khi chưa có lệnh (chỉ có Bộ GD-ĐT mới có quyền quyết định việc sử dụng đề thi dự bị trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT).

 

Đối với các địa phương, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải chuẩn bị tốt và đầy đủ máy móc, thiết bị phục vụ sao, in đề thi. Sao, in đề phải rõ ràng, đảm bảo đủ số lượng đề cho học sinh dự thi; phải sao in thêm một số lượng đề nhất định để dự phòng cho từng môn thi ở mỗi hội đồng thi.

 

Riêng đối với Hà Tây, sẽ phải có biện pháp để không xảy ra tình trạng trèo tường ném bài tràn lan trong các buổi thi tốt nghiệp như năm trước được báo chí phản ánh.

 

Một điều phải khẳng định, thanh tra Bộ không thể làm thay việc của các địa phương. Có sự cố xảy ra, trước hết là trách nhiệm của của Hội đồng coi thi và giám thị...

 

Được biết, những địa phương mà Bộ tiến hành thanh tra đều là những địa phương có tình trạng lộn xộn trong thi tốt nghiệp THPT triền miên trong nhiều năm nay.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh